Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sau hơn 3 năm thực thi đã góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, từ mức giảm 1,8% năm 2020 tăng lên 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đang được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: NT |
Tiềm năng còn rất lớn
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (AHK): Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực đơn giản hóa các quy định về thủ tục, song các công ty Đức và châu Âu vẫn vướng mắc trong khâu giải quyết thủ tục hành chính và thủ tục cấp phép phức tạp, gây chậm trễ cho việc triển khai. Ngoài ra, một số công ty châu Âu gặp khó khăn trong việc hiểu đầy đủ các khía cạnh kỹ thuật của EVFTA, khiến họ bỏ lỡ đi những cơ hội quý giá mà EVFTA mang lại. Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao nhận thức và hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU, tận dụng sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ của EU và Đức để cải thiện liên kết chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các nền tảng, mạng lưới kết nối và hỗ trợ kỹ thuật - vốn được các cơ quan châu Âu, trong đó có AHK thiết lập nhằm chia sẻ những thông tin đáng tin cậy, để khẳng định mình là đối tác thương mại hướng tới tương lai và có ý thức về môi trường. Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh: Sau 3 năm thực hiện EVFTA, tác động của EVFTA đối với kinh tế Việt Nam thể hiện rõ trong thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Có thể khẳng định, EVFTA là Hiệp định thương mại thế hệ mới, có tác động và ảnh hưởng đến các chủ thể trong nền kinh tế từ các doanh nghiệp đến nhà nước và Hiệp định sẽ thúc đẩy nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Trong thời gian qua, mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU ngày càng trở nên chặt chẽ hơn và EU luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược của mình. Những động thái trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam luôn là mối quan tâm của EU. Việc ký kết EVFTA là một trong những bước tiến ghi nhận sự đóng góp cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. X.T (ghi) |
EVFTA được ví như con đường cao tốc quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU. Đặc biệt, EVFTA không chỉ là FTA đầu tiên của Việt Nam với EU, mà còn là một FTA thế hệ mới. Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam hoàn thiện năng lực thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, giai đoạn 2020-2023 được xem là giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức đối với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dịch bệnh Covid-19 và chính sách phòng chống dịch của các quốc gia đã kéo theo nhiều diễn biến, hệ lụy nghiêm trọng. “Cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, việc tìm kiếm thêm các không gian, động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi xuất khẩu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước đó, EU đã là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều thập niên. Song hành với quá trình hợp tác đó là những nỗ lực mở rộng hợp tác giữa hai bên cả về thương mại, đầu tư, du lịch, hỗ trợ phát triển chính thức.
“Đặt trong bối cảnh đó, sự kỳ vọng đối với EVFTA là hoàn toàn dễ hiểu. Kinh nghiệm từ việc thực hiện các FTA khác, trong những giai đoạn trước đó đủ để khiến các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng ký kết EVFTA chỉ là một điều kiện cần; hiện thực hóa lợi ích từ EVFTA đòi hỏi phải có rất nhiều nỗ lực từ phía Việt Nam”, Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn về những kết quả sau 3 năm thực thi EVFTA, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (CIEM) cho biết, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. Tác động đối với xuất khẩu vào EU trong năm thứ ba có phần kém tích cực hơn, có thể là do kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng gặp những khó khăn do nhiều yếu tố (xung đột địa chính trị; xung đột Nga-Ukraine; tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và áp lực lạm phát; lãi suất điều hành và các quy định đối với nhập khẩu có xu hướng gia tăng ở thị trường EU,…). Tác động của EVFTA đối với tăng trưởng nhập khẩu từ EU có phần kém rõ ràng hơn so với tăng trưởng xuất khẩu vào EU.
Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU giai đoạn 2012-2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu là 10,5%/năm; nhập khẩu là 6,4%/năm. Trong đó, giai đoạn 2020-2022, khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã phục hồi tăng trưởng, từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên mức tăng 14,2% năm 2021 và 16,8% vào năm 2022.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn 8/2020-7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, EVFTA đã tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo (100%), giày dép (74-98%), thủy sản (70-76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53-70%)...
Cũng theo ông Dương, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi. Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu sang EU trong giai đoạn 2017-2021 vẫn dịch chuyển theo hướng giảm các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Hoạt động xuất khẩu sang thị trường này vẫn thấp hơn kỳ vọng, cho thấy tiềm năng để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU vẫn còn rất lớn.
Thêm động lực để hoàn thiện năng lực thể chế
Về đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam. Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt gần 1.376 triệu USD vốn đăng ký, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI giảm nhẹ, chiếm 5%. Các dữ liệu dài hạn hơn cho thấy EVFTA có thể đã tạo động lực quan trọng thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư bình quân năm giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn sau khi EVFTA hoàn tất đàm phán) tăng 86% so với thời gian 2015-2016 liền trước đó.
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, nhưng đầu tư từ EU vào Việt Nam ít nhiều đã tăng sau đại dịch. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam. Dù vậy, nếu so sánh vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm cuối tháng 7/2023 với vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm 7/2020 thì có thể thấy tác động của EVFTA đối với thu hút vốn FDI từ EU còn tương đối khiêm tốn.
Còn ở góc độ thể chế, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế. Kết quả phân tích cho thấy các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA. Tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, có thể do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP. Tuy nhiên, Việt Nam cần cân nhắc cách tiếp cận đối với một số cam kết trong một số lĩnh vực, tránh nội luật hóa một cách quá cứng nhắc và ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của thị trường trong nước trước các diễn biến, bối cảnh mới.
“Để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế, kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, cần rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết, trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác; và chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA”, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (CIEM) kiến nghị.