Ukraine được 'bật đèn xanh' tấn công sâu vào Nga; Nga dồn hỏa lực 'đánh sập' hệ thống năng lượng Ukraine;... là những tin nóng chiến sự Nga-Ukraine trưa 18/11.
Nga dồn hỏa lực ‘'đánh sập’' hệ thống năng lượng Ukraine
Theo RT, ngày 17/11, Ukraine rung chuyển hàng loạt bởi một trong những cuộc tấn công lớn nhất và nguy hiểm nhất từ trước đến nay khi Nga triển khai 120 tên lửa, bao gồm cả tên lửa siêu vượt âm, và 90 máy bay không người lái (UAV), nhắm thẳng vào các cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược.
Một trạm điện tại Ukraine bị tên lửa Nga đánh trúng. Ảnh: Reuters |
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tấn công này nhằm phá hủy các cơ sở hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine và sản xuất thiết bị quân sự. "Tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị đánh trúng và phá hủy", Bộ này khẳng định.
Hậu quả lan rộng đã khiến Ukraine lâm vào khủng hoảng: Nikolayev báo cáo 2 người thiệt mạng, 6 người bị thương. Volyn hứng chịu tổn thất nặng nề, gây mất điện ở Poltava và làm gián đoạn cấp nước tại Odessa. Nhiều vụ nổ lớn được ghi nhận tại Vinnitsa và Lviv, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống năng lượng.
Tờ Pravda dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông gọi đây là “làn sóng tấn công khốc liệt nhất” từ khi xung đột bắt đầu. Ông thừa nhận, dù hệ thống phòng không đã chặn hơn 140 mục tiêu, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn thiệt hại.
Ngày 18/11, sau cuộc không kích, công ty điện lực quốc gia Ukraine Ukrenergo buộc phải ban hành tình trạng khẩn cấp, Ukraine sẽ áp dụng cắt điện 2 lần mỗi ngày trên toàn quốc, từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga lên án đợt tấn công này là “lời đáp trả” từ Moscow trước các nỗ lực ngoại giao gần đây, ám chỉ cuộc gọi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Nga biện minh rằng, các cuộc không kích vào hệ thống năng lượng Ukraine là đòn trả đũa sau khi Ukraine tấn công vào các cơ sở dầu mỏ và hạ tầng chiến lược của Nga. Điện Kremlin nhấn mạnh, mục tiêu của họ không phải là dân thường mà là làm suy yếu năng lực quân sự và hệ thống hỗ trợ chiến tranh của Kiev.
Kiev rung chuyển trong 'bão lửa' UAV, pháo binh Nga siết chặt Kurakhove
Rạng sáng ngày 17/11, thủ đô Kiev của Ukraine tiếp tục hứng chịu đợt tấn công dữ dội từ Nga bằng máy bay không người lái (UAV). Theo tờ Kyiv Independent, hàng loạt tiếng nổ lớn vang lên trong nội thành từ 6h30 đến 7h15 sáng, gây hỗn loạn và thiệt hại nghiêm trọng.
Thị trưởng Kiev, Vitalii Klitschko, cho biết, các mảnh vỡ từ UAV đã làm bùng cháy một căn chung cư tại quận Pechersk. Ít nhất 2 người bị thương và nhiều tài sản bị phá hủy. “Đây là đợt tấn công có chủ đích, nhằm vào trung tâm thủ đô và gây hoảng loạn cho người dân”, ông Klitschko nói thêm.
Quân đội Ukraine xác nhận, Nga đã sử dụng một loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, được phóng từ Biển Đen và hai tỉnh Krasnodar, Astrakhan, để nhắm vào nhiều khu vực trên toàn Ukraine, trong đó có Kiev. Các đòn không kích liên tiếp trong nhiều tuần qua đã khiến thủ đô Ukraine chìm trong căng thẳng và tình trạng khẩn cấp.
Trong khi Kiev bị tấn công, tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine cũng căng thẳng không kém. Theo hãng tin TASS, pháo binh Nga đã khóa chặt tuyến đường tiếp tế huyết mạch dẫn đến thành phố Kurakhove – một điểm nóng chiến lược của Ukraine. Nguồn tin từ phía Nga cho hay: “Tuyến tiếp tế từ tỉnh Zaporizhzhia đến Kurakhove đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của pháo binh Nga và UAV. Điều này khiến việc vận chuyển lương thực, vũ khí và viện trợ cho binh sĩ Ukraine phòng thủ thành phố trở nên cực kỳ khó khăn”.
Theo hướng Kurakhove, cánh phía nam của Pokrovsk, quân đội Nga đã khép kín vòng vây lớn bắt nguồn từ Nevelsk. Ảnh: Reuters |
Quân đội Nga đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực này sau khi kiểm soát thành phố Vuhledar từ đầu tháng trước. Đặc biệt, ngày 13/11, lực lượng Nga tuyên bố đã bắn sập một cây cầu chiến lược mà Ukraine sử dụng làm tuyến tiếp tế chính cho binh sĩ tại Kurakhove.
Việc Nga liên tục gia tăng các đợt tấn công vào cả Kiev và các điểm nóng chiến lược như Kurakhove cho thấy chiến thuật “gọng kìm” đang được đẩy mạnh. Với các đợt không kích tàn phá hệ thống hạ tầng dân sự, cùng hoạt động siết chặt nguồn tiếp tế ở tiền tuyến, Nga đang cố gắng làm suy yếu cả sức phòng thủ lẫn ý chí kháng cự của Ukraine.
Trong bối cảnh mùa đông lạnh giá đang đến gần, các đòn đánh này không chỉ gây thiệt hại tức thời mà còn đẩy Ukraine vào thế khó khăn nghiêm trọng hơn. Tại Kurakhove, tình hình nhân đạo đã trở nên tồi tệ khi nguồn cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm bị gián đoạn, trong khi các trận pháo kích vẫn tiếp diễn hàng ngày.
Cuộc xung đột kéo dài và leo thang ở cả miền Đông lẫn thủ đô Kiev cho thấy những tháng tới sẽ chứng kiến nhiều diễn biến nguy hiểm hơn. Khi Nga tăng cường sức ép trên mọi mặt trận, Ukraine đối mặt với nguy cơ lớn về chiến lược, nhân đạo và khả năng chống đỡ.
Ukraine giáng đòn '‘chí tử’', 12.000 quân Nga thiệt mạng chỉ trong một tuần
Cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục leo thang ác liệt, đặc biệt ở các mặt trận phía đông và phía nam. Trong ngày 17/11, quân đội Ukraine báo cáo đã có 70 cuộc giao tranh dữ dội dọc theo tiền tuyến, với trọng điểm là Kurakhove và Pokrovsk thuộc tỉnh Donetsk.
Nga mở hàng loạt đợt tấn công bằng không quân và pháo binh, sử dụng cả bom dẫn đường và tên lửa tấn công vào các khu vực đông dân cư, trong đó có tỉnh Sumy. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã giữ vững phòng tuyến, ngăn chặn nhiều nỗ lực đột phá từ lực lượng Nga.
Tối 17/11, thành phố Sumy trải qua một đêm kinh hoàng khi bị tên lửa Nga dội xuống. Ít nhất 10 tòa nhà cao tầng và nhiều phương tiện giao thông bị phá hủy hoàn toàn, biến khu vực thành đống đổ nát.
Dù Nga gia tăng áp lực, quân đội Ukraine vẫn kiên trì phòng thủ tại các khu vực trọng yếu. Tư lệnh Lục quân Ukraine, Oleksandr Pavliuk, tuyên bố rằng các biện pháp phản công và giữ vững phòng tuyến đang phát huy hiệu quả, ngăn cản Nga đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào trên chiến trường.
Tại Kurakhove, quân đội Nga đã phát động 23 cuộc tấn công trong ngày, trong đó Ukraine tuyên bố đã đẩy lùi thành công 19 đợt tấn công. Đây được coi là khu vực nóng nhất trên tiền tuyến, nơi Nga tập trung cả pháo binh và không quân nhằm phá vỡ phòng tuyến của Ukraine.
Ở các khu vực khác thuộc tỉnh Donetsk: Lực lượng Ukraine đẩy lùi 9 nỗ lực tấn công của Nga gần các khu định cư chiến lược như Kucherivka, Zahryzove và Kruhliakivka. Hai nỗ lực tấn công của Nga gần Bila Hora và Stupochky bị chặn đứng. Tại Pokrovsk, trong 24 giờ, quân đội Ukraine đã phá tan 18 đợt tấn công, giữ vững phòng thủ.
Theo báo cáo từ Ukraine, từ ngày 10 đến 17/11, Nga đã chịu tổn thất lớn về nhân lực và thiết bị quân sự. Cụ thể, 11.990 binh sĩ Nga thiệt mạng chỉ trong một tuần, cùng với hàng loạt phương tiện bị phá hủy: 101 xe tăng, 295 xe thiết giáp, 276 hệ thống pháo, 7 hệ thống MLRS, 3 hệ thống phòng không.
Tư lệnh Oleksandr Pavliuk khẳng định: "Quân đội Nga đang gánh chịu những tổn thất chưa từng có. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất của mình và khiến kẻ thù phải trả giá đắt cho hành động xâm lược".
Ukraine được '‘bật đèn xanh'’ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga
Quyết định cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa, được cho là đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt, đang tạo ra một làn sóng chấn động trên trường quốc tế. Theo các nguồn tin từ CNN và The New York Times, động thái này đánh dấu một thay đổi chiến lược lớn trong chính sách của Washington, làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng chưa từng có giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ảnh: Reuters |
Dù Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối bình luận, hai quan chức Mỹ tiết lộ, ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATACMS) để tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong Nga, đặc biệt tại vùng Kursk – nơi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn.
ATACMS là loại tên lửa tầm xa với khả năng di chuyển ở tốc độ siêu thanh và có tầm bắn lên đến 300 km. Chúng có thể được triển khai từ hệ thống bệ phóng HIMARS, vốn đã nằm trong kho vũ khí của Ukraine từ năm 2022. Mặc dù Kiev đã nhận được ATACMS từ tháng 4, việc sử dụng chúng trước đây chỉ giới hạn trong các khu vực được coi là lãnh thổ Ukraine.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Biden sắp kết thúc, và cũng trùng với thời điểm Ukraine tăng cường các nỗ lực phản công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã kiên trì vận động để Mỹ dỡ bỏ các hạn chế về sử dụng vũ khí tầm xa, tuyên bố trong bài phát biểu tối 17/11: "Các cuộc tấn công không cần lời giải thích. Tên lửa sẽ tự lên tiếng".
Phía Nga nhanh chóng phản ứng trước thông tin này. Hãng tin RT dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, bất kỳ cuộc tấn công nào vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây sẽ bị coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Tổng thống Vladimir Putin trước đây đã cảnh báo: "Ukraine không thể sử dụng vũ khí tầm xa mà không có sự chỉ đạo từ phương Tây. Quyết định này không chỉ là về việc cho phép hay không mà là bước tiến để NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột".
Ông Putin nhấn mạnh rằng, nếu Mỹ thực sự bật đèn xanh cho Ukraine, Nga sẽ triển khai các biện pháp đáp trả tương xứng để bảo vệ an ninh quốc gia. TASS dẫn lời ông Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga, cảnh báo rằng: "Việc Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có thể dẫn đến thế chiến thứ 3".
Trong khi đó, Ukraine nhìn nhận đây là cơ hội để chuyển từ thế phòng thủ sang thế chủ động. Các mục tiêu tại vùng Kursk – nơi đóng vai trò huyết mạch trong hoạt động hậu cần và quân sự của Nga – có thể sẽ là đích đến của những tên lửa tầm xa đầu tiên.
Động thái này của Mỹ không chỉ tác động đến cục diện chiến trường mà còn đặt cộng đồng quốc tế trước nguy cơ lớn hơn. Việc NATO bị lôi kéo trực tiếp vào xung đột sẽ khiến cuộc chiến vượt khỏi biên giới Ukraine, gây ra những hậu quả khó lường.
Theo Báo Công Thương