Đó là khẳng định của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn tại Diễn đàn “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 30/11 tại Bình Định.
Điều hành chính sách tài chính linh hoạt, hỗ trợ DN và người dân
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột giữa Nga - Ukraina và Israel - Hamas tại Dải Gaza phức tạp; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng và lương thực toàn cầu gặp nhiều thách thức.
Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Môi trường sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do hệ lụy từ những tác động của dịch Covid-19, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương… Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có độ mở lớn, trong khi các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Cùng với đó, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 triển khai còn chậm; lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá hàng hóa, lạm phát toàn cầu tăng lên; giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn vẫn là thách thức.
Trước bối cảnh trên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp điều chỉnh chính sách về tài chính - NSNN linh hoạt, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô khác để hỗ trợ DN và người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và hướng tới phát triển bền vững như:
Cụ thể về chính sách thu NSNN, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, hệ thống chính sách thuế nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã tập trung vào 2 nhóm chính sác. Một là các chính sách hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, như thuế bảo vệ môi trường, thuế TTĐB, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trườngđối với khí thải….Hai là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu, như thuế TNDN, thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, nhập nhẩu; lệ phí trước bạ.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2023, bên cạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp thẩm quyền giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với DN, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của DN, người dân...
Kết quả, tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 10 khoảng 163,8 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng miễn, giảm khoảng 106,5 nghìn tỷ đồng và gia hạn khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng.
Thông tin thêm, Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 10, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 0/10/2023 về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, cChính sách chi ngân sách đã ưu tiên cho tăng trưởng xanh, cho sự nghiệp bảo vệ môi trường ngày càng được cụ thể, rõ ràng; đầu tư công cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chi NSNN được đảm bảo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nhờ đó, cân đối ngân sách trung ương và địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/10/2023, đã thực hiện phát hành 264,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tương đương 66% kế hoạch năm 2023; kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 3,3%/năm; lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 3,30%/năm; thời gian đáo hạn bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ là 9,11 năm.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, các giải pháp chính sách tài chính - NSNN trong thời gian qua khá toàn diện, kịp thời, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,2%; hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được phục hồi và ngày càng được củng cố, phát triển tích cực.
Mong muốn nhận được các đóng góp để chính sách tài chính phát triển bền vững
Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 ở mức 4,5-5,8% và tăng lên mức 5,5-6,5% trong năm 2024. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,0-3,8% trong năm 2023 và có thể tăng lên 4,71% trong năm 2024.
Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung. Chính vì vậy, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” để lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận tình hình, đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - NSNN trong thời gian tới theo các định hướng đã được phê duyệt trong Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn tin tưởng rằng, với kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, các nhà quản lý, các diễn giả quốc tế và Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thành công của diễn đàn, cũng như đóng góp nhiều giải pháp tài chính mang tính đột phá trong triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững.