Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất mạnh mẽ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia, các chuyên gia đánh giá đây là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Việt Nam vươn lên trở thành nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầuĐa dạng nguồn cung ứng để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầuTham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng giá trị nông sản
Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ảnh minh họa.

Sẵn sàng tâm thế nhập cuộc

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng 9,5%, với điện tử là ngành then chốt. Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp công nghệ cao.

Nhiều nhà cung ứng của Việt Nam cũng cho biết, xu hướng các tập đoàn toàn cầu có mong muốn tìm kiếm đơn vị cung ứng trong nước đang tăng lên. Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TPHCM (JETRO) cho biết, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Đáng chú ý, theo khảo sát, có 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm mở rộng kinh doanh trong 1 – 2 năm tới, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chiếm 47,1%.

“Các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới kiến tạo chuỗi cung ứng Made in Vietnam”, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí- điện TPHCM đề xuất.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia; tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giày đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.

Ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Long cho biết, công ty đã “lột xác” khi thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực, thiết bị, công nghệ và “vượt bão” thành công trong giai đoạn khó khăn nhất từ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới. Theo đó, từ một doanh nghiệp nhỏ, Công ty Nhật Long đã dần trở thành đối tác cung cấp phụ tùng, linh kiện công nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và các nhà máy trong nước, giảm thiểu phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.

Cơ hội từ ngành công nghiệp bán dẫn

Theo ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc RX Tradex Việt Nam, Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, cho nên việc nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi cung ứng này đang ngày càng đòi hỏi cấp bách. Nhất là khi có những nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam giúp tăng tỷ lệ nội địa và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ về năng lực tham gia của khối nội vào chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, hiện nay chúng ta có ưu thế về kỹ thuật sản xuất của nhân công Việt trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và được các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực này và các tập đoàn quốc tế rất quan tâm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa sẽ có những cơ hội để đáp ứng tốt các nhu cầu đầu tư vào công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Điều đó đòi hỏi họ cần tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, về trình độ, cũng như đầu tư thêm về ISO, đầu tư thêm về trình độ sản xuất và đáp ứng nguồn nhân lực. Như vậy, chúng ta sẽ có sự sẵn sàng hơn để Việt Nam “đứng chân” được vào trong chuỗi cung ứng thị trường vi mạch bán dẫn, bà Lê Nguyễn Duy Oanh nhấn mạnh.

Song theo các doanh nghiệp, việc đổ bộ của doanh nghiệp FDI là miếng bánh thị phần lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, nhưng để chạm tới không dễ. Ông Trần Thanh Lãm, Tổng giám đốc Công ty TNHH CNS Amura Precision cho biết, dù sản phẩm của công ty đang cung ứng ổn định tại các chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng áp lực cạnh tranh giá và giá phải giảm ở mức 3% theo từng năm. Điều này khiến biên độ lợi nhuận của công ty ngày càng mỏng, rất khó để giữ được chân khách hàng lâu dài. Vì vậy, để “chắc chân” ở chuỗi cung ứng, doanh nghiệp trong nước nhất thiết phải tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ lõi.

Theo haiquanonline.com.vn/

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: