Cơ hội nào trước chính sách thuế quan của Mỹ

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Tại chương trình Café Doanh nhân HUBA lần thứ 82 với chủ đề “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2025 – 2026 trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức, các chuyên gia và doanh nghiệp cùng trao đổi về tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ và đề xuất giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp Việt.

Cơ hội nào trước chính sách thuế quan của Mỹ
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia chia sẻ về những tác động của chính sách thuế quan của Mỹ.

Thách thức toàn cầu – Cơ hội chuyển mình cho doanh nghiệp Việt

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, tăng trưởng toàn cầu được Liên hợp quốc dự báo chững lại ở mức 2,8% trong năm 2025 – ngang với năm trước – chủ yếu do suy giảm từ các đầu tàu kinh tế như Mỹ, Trung Quốc.

Trong khi đó, lạm phát giảm nhẹ xuống mức 4% mở ra dư địa cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại và biến đổi khí hậu vẫn là những ẩn số lớn với kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, bức tranh kinh tế vẫn hiện lên nhiều gam sáng. Ngân hàng thế giới dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8% năm 2025 và 6,5% năm 2026. Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5–7%, hướng đến 7–7,5%, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.900 USD. Lạm phát được kiểm soát tốt trong ngưỡng 4–4,5%, tạo nền tảng ổn định cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Điểm nhấn tích cực còn đến từ dòng vốn FDI tiếp tục tăng, cùng sự thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, cải thiện hạ tầng và môi trường kinh doanh.

Việt Nam cũng đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Singapore… mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ, mở rộng thương mại và đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Quan trọng hơn, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang mang lại cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt. Trong bối cảnh này, những cải cách thể chế từ đất đai, bất động sản đến cơ chế đặc thù… sẽ là cú hích giúp nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp chuyển mình mạnh mẽ.

Cơ hội nào trước chính sách thuế quan của Mỹ
Các diễn giả thảo luận về chính sách thuế quan của Mỹ và các giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để biến nguy thành cơ?

Song bên cạnh những điểm sáng, thuận lợi, chính sách thuế quan mới của Mỹ đang đặt ra rào cản, khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, HAWA đã khảo sát ý kiến từ 50 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc hiệp hội, cho thấy có tới 52% doanh nghiệp có thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, chiếm hơn 50% doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp. Do đó, việc áp thuế của Mỹ thực sự là một cú sốc rất lớn đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là phép thử chiến lược cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là cơ hội để bứt tốc: mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc và gia tăng sức chống chịu nội tại. Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tận dụng xu hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế của các nền kinh tế lớn. Đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh nội địa hóa sản xuất, nâng cao tiêu chuẩn ESG và chất lượng hàng hóa, từ đó tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi có thông báo tạm hoãn 90 ngày, các doanh nghiệp ngành dệt may đang chạy đua để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trước ngày 1/7/2025, tức là trước khi thời hạn tạm hoãn kết thúc.

Hiện nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang chịu mức thuế tổng cộng khoảng 26%. So với mức thuế của một số đối thủ như Ấn Độ, Mexico hiện tại chỉ khoảng 25%, mức thuế của chúng ta vẫn có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, nếu sau ngày 1/7/2025, mức thuế đối ứng có thể tăng thêm hơn 10% thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, thậm chí không thể bán hàng được do cạnh tranh với các nước như Mexico, Ấn Độ hay Bangladesh. Hơn nữa, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế lần này cho thấy quyết định được đưa ra nhằm rà soát kỹ lưỡng hơn trong việc đánh giá tính minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu.

Vì vậy, ngành dệt may cần thiết phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, từ khâu đầu vào đến đầu ra, để tránh phụ thuộc vào những thị trường có nguy cơ rủi ro cao. Một trong những chiến lược trọng tâm là đẩy mạnh nội địa hóa – từ mức khoảng 20–30% hiện nay lên ít nhất 60% trong thời gian tới, bao gồm cả việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu dệt may Việt Nam, để chủ động hơn và giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ nguyên liệu là yêu cầu bắt buộc. Chúng tôi đặt ra mục tiêu phải thực hiện bằng được tiêu chuẩn về xuất xứ, tránh để tình trạng doanh nghiệp trong nước bị động hoặc trở thành điểm trung chuyển cho các nguồn nguyên liệu không minh bạch, như một số ý kiến đã từng cảnh báo. Nếu không làm tốt, hệ lụy sẽ rất lớn đối với toàn ngành, ông Phan Văn Việt nhấn mạnh.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: