Ngày 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về một số luật mới được Quốc hội thông qua.
Các luật được công bố tại buổi họp báo đã được Quốc hội khoá XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua, gồm: Luật Tổ chức Toà án nhân dân; Luật Lưu trữ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn |
Đồng chí Phạm Thanh Hà- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo. Cùng tham dự còn có Thượng tướng Phạm Hoài Nam- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an, ông Trương Hải Long- Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao…
Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết
Tại buổi họp báo, Thượng tướng Phạm Hoài Nam- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu những nét cơ bản về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo đó, qua tổng kết thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003 và tổng kết quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh đã cho thấy những kết quả và thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần quan trọng trong bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu những nét cơ bản về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các Pháp lệnh cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 và thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan, việc xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết.
Sau hơn 3 năm xây dựng, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/06/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/202. Luật bao gồm 7 Chương, 86 Điều.
“Luật có vai trò quan trọng cả thời chiến và thời bình nhằm huy động nguồn lực, xây dựng được cơ chế đặc thù để phát triển ngành công nghiệp này”, Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân
Tại họp báo, Trung tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu những nội dung cơ bản của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, gồm 9 Chương, 89 Điều. Việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trung tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an nêu những nội dung cơ bản của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ảnh: Thanh Tuấn |
Luật được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; các quy định của Luật được cụ thể và có tính khả thi. Bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của các quốc gia trên thế giới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khắc phục những khó khăn hiện hành
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gồm 8 Chương, 75 Điều nhằm hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Thực tế hiện nay, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của Luật hiện hành thì súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm…
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ và yêu cầu thực tiễn đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cảnh vệ; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết với những lý do:
Bổ sung đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tách biệt chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi áp dụng trên thực tế; đồng thời luật hóa một số biện pháp cảnh vệ lực lượng cảnh vệ đang triển khai thực hiện góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cảnh vệ trong tình hình mới. Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ.
Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bố cục và nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024 gồm: Điều 1- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảng vệ; Điều 2 – Điều khoản thi hành.
Lưu trữ là nhiệm vụ của toàn xã hội
Về Luật Lưu trữ, ông Đặng Thanh Tùng- Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ cho hay: Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng tập trung làm rõ 4 chính sách lớn, gồm: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Ông Đặng Thanh Tùng- Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ). Ảnh: Thanh Tuấn |
“Các chính sách trên được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Luật Lưu trữ năm 2024”, ông Đặng Thanh Tùng nói.
Luật Tổ chức Toà án nhân dân với nhiều điểm mới
Luật Tổ chức Toà án nhân dân gồm 9 Chương, 152 Điều, giảm 2 Chương nhưng tăng 54 Điều so với Luật Tổ chức Toà án nhân sân số 62/2014/QH13. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 101 Điều; bổ sung mới 48 Điều và giữ nguyên 3 Điều.
Ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao thông tin về Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2024. Ảnh: Thanh Tuấn |
Về điểm mới của Luật Toà án, ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, thông tin, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2024 có một số điểm mới về: Vị trí, vai trò của Toà án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của toà án; Đổi mới tổ chức bộ máy của toà án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; về thẩm phán; thẩm tra viên toà án, thư ký toà án, công chức khác, viên chức và người lao động của toà án.
Theo Báo Công Thương