Trong nửa cuối năm 2023, với kỳ vọng giá cước cho thuê tàu tăng và xuất khẩu khởi sắc, ngành logistics sẽ cải thiện bức tranh kinh doanh.
Kinh doanh ảm đạm khi sức cầu yếu
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều nước, sức mua suy giảm trên diện rộng, đặc biệt là ở các thị trường lớn vốn là khách hàng lâu năm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Tại Việt Nam, theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2023 giảm 3% so với cùng kỳ, đạt khoảng 359,4 triệu tấn. Hàng container ước đạt 11,7 triệu TEUs, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng thông qua nhiều như Vũng Tàu giảm 13%, Hải Phòng và TP.HCM giảm 3%.
Sự sụt giảm này chủ yếu do tình hình xuất khẩu giảm hơn 14% trong 6 tháng đầu năm, chỉ ghi nhận đạt 930,6 triệu USD. Tiêu thụ hàng hóa khó khăn, tồn kho tăng cao là câu chuyện nhìn thấy rõ ở các ngành dệt may, thủy sản, gỗ…
Nhìn ra câu chuyện này từ sớm nên hầu hết các doanh nghiệp ngành logistics đều lên kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức thấp hơn năm 2022. Dù vậy, với thực trạng sức cầu suy yếu, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành logistic trong quý I/2023 không mấy sáng sủa, với chỉ tiêu lợi nhuận giảm trên dưới 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đều cách xa mục tiêu của năm.
Trong đó, Công ty cổ phần Xếp dỡ Vận tải Hải An (mã chứng khoán HAH) ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 655 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 51%, xuống còn 126,37 tỷ đồng.
Dù đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 9% và 41% so với năm 2022, với 2.960 tỷ đồng và 492 tỷ đồng, nhưng sau 3 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu năm và 22% kế hoạch lợi nhuận năm.
Có phần ảm đạm hơn là Công ty cổ phần Container Việt Nam (mã chứng khoán VSC), khi kết thúc quý I/2023 ghi nhận doanh thu 463,27 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 42,83 tỷ đồng, giảm 60,9% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Container Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu 2.250 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, giảm 45,5% so với kết quả năm 2022. Như vậy, 3 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 16,47% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) cũng thận trọng lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 đi ngang, với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 3.920 tỷ đồng và 1.136 tỷ đồng, đều tăng trưởng hơn 3% so với kết quả đạt được năm 2022. Trong quý I/2023, Gemadept đạt doanh thu 901 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 20,3% so với cùng kỳ, xuống còn 254 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành logistics cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh lợi nhuận trong quý đầu năm như Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán VSA) chỉ đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ; Công ty cổ phần Transimex (mã chứng khoán TMS) đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 79%; Công ty cổ phần Đại lý Vận tải SAFI (mã chứng khoán SFI) đạt 21,9 tỷ đồng, giảm 65%; Sotrans đạt 39,8 tỷ đồng, giảm 36%...
Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận sau thuế của HAH đạt 100 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái do giá cho thuê tàu bình quân giảm, giá giao ngay trong nước và sản lượng vận chuyển nội địa đều giảm.
Bứt phá trong nửa cuối năm
Ngành logistics đang hướng đến những chuyển biến tích cực hơn. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, giá cước cho thuê tàu trong nửa cuối năm 2023 có thể tăng 15 - 20% so với mức đáy và việc giảm hàng tồn kho sẽ kết thúc vào khoảng quý III/2023 và nền tảng của ngành sẽ cải thiện kể từ thời điểm đó.
Cùng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) kỳ vọng rằng, với tốc độ lạm phát chậm dần trong thời gian gần đây, chu kỳ kinh tế các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc sẽ tạo đáy trong nửa cuối năm 2023 và hồi phục dần, giúp sản lượng sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam gia tăng, kéo theo nhu cầu vận chuyển tăng trở lại.
Với những dự báo khá lạc quan trên, một số doanh nghiệp trong ngành đã có những hành động cụ thể để đón sóng cuối năm. Điển hình như Gemadept, Công ty cho biết sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, dự án cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2 với quy mô 39 ha, công suất 1,5 triệu TEU/năm, cỡ tàu tiếp nhận 250.000 DWT, dự kiến chuẩn bị triển khai trong năm 2023 và hoàn thành giai đoạn 2.1 vào năm 2025 và giai đoạn 2.2 vào năm 2027.
Dự án cảng Nam Đình Vũ - giai đoạn 3 với diện tích hơn 25 ha, công suất 600.000 TEU/năm (đối với hàng container) và 3 triệu tấn/năm (đối với hàng tổng hợp), cỡ tàu tiếp nhận 48.000 DWT, dự kiến triển khai trong quý IV/2023, mục tiêu đưa vào khai thác từ cuối năm 2025.
uy nhiên, để tăng trưởng trong nửa cuối năm, Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, trước xu thế đánh thuế bảo vệ môi trường (thuế các-bon) của một số thị trường, sắp tới là EU, các doanh nghiệp logistics phải nắm bắt để kịp thời nâng cấp, cập nhật như các doanh nghiệp giao nhận chuyển sang sử dụng xe điện, các trung tâm logistics chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế...
Dù vậy, nhìn về dài hạn, nhóm logistics vẫn có triển vọng lớn, bởi khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng cao và doanh nghiệp vận tải cũng sẽ hoạt động bận rộn hơn. Các tín hiệu hiện nay đều cho thấy xuất khẩu sẽ khả quan trong nửa cuối năm 2023, mở ra cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp logistics.