EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm gần 40% thị phần với khối lượng đạt 353.468 tấn và kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, chiếm gần 40% thị phần xuất khẩu với khối lượng đạt 353.468 tấn và kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng kim ngạch tăng 40,7%.
Còn theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tính đến hết tháng 5, EU đã chi 5,35 tỷ EUR để nhập khẩu 1,3 triệu tấn cà phê các loại từ thị trường thế giới, tăng 4,8% về lượng và 8,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp cà phê chính cho EU bao gồm: Brazil, Việt Nam, Honduras, Uganda, Colombia, Ấn Độ… Trong đó, nhập khẩu từ Brazil dẫn đầu với 489.115 tấn, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Brazil vào EU giảm 7,8% trong 5 tháng đầu năm, xuống còn 3.509 EUR/tấn.
EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam |
Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai với khối lượng đạt 340.598 tấn và trị giá hơn 1 tỷ EUR. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng xuất khẩu chỉ tăng 1,5%, nhưng kim ngạch tăng tới 42,4%, nhờ giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng vọt 40,3% lên mức bình quân 3.136 EUR/tấn. Với kết quả này, thị phần của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu cà phê của EU đã tăng từ 15,2% lên 20%.
Nguồn cung cà phê Robusta toàn cầu sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng liên tục trong những tháng đầu năm. Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, được cho là đã hưởng lợi từ xu hướng này.
Việt Nam hiện đã vượt qua nhiều nước sản xuất hàng đầu khác như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Brazil… để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến (cà phê hòa tan, hỗn hợp cà phê) hàng đầu vào EU chỉ sau thị trường Anh.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê hoà tan và các chiết suất từ cà phê của Việt Nam vào EU trong 5 tháng đầu năm đã tăng đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 64,5 triệu EUR. Gấp đôi so với mức tăng trưởng 40% đạt 1 tỷ EUR của nhóm cà phê nhân.
Mặc dù vậy, cà phê nhân hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn khoảng 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU so với mức 6% của cà phê hoà tan và các chiết suất từ cà phê.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2023, nhập khẩu cà phê của EU từ thị trường thế giới giảm 10% do nền kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân châu Âu sẽ tăng trở lại.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), EU hiện đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, chiếm 24 – 25% sản lượng cà phê tiêu thụ toàn cầu. Nhập khẩu cà phê của EU trong niên vụ hiện tại ước tính tăng 1 triệu bao lên mức 25,5 triệu bao.
Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 70.000 tấn, giảm tới 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây đã là tháng sụt giảm thứ 6 liên tiếp so với cùng kỳ và tháng thứ 8 kể từ đầu niên vụ đến nay.
Lũy kế đến hết 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 964.000 tấn, trị giá trên 3,5 tỷ USD, giảm 13,8% về lượng nhưng tăng 30,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023 nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng còn lại của quý III sẽ giảm do nguồn cung thấp. Đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, nguồn cung cà phê mới tăng trở lại.
Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 1,47 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm, giảm 20% so với niên vụ 2022-2023 theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi.
Như vậy, nếu không tính lượng hàng tồn kho của năm trước chuyển sang, Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 200.000 tấn để xuất khẩu từ nay đến tháng 9. Dù vậy, ngành hàng cà phê Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do giá cà phê Robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam.
Theo Báo Công Thương