Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Brazil đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt cả về chất lượng và giá cả đến từ các thị trường khác.
Ngày 8/5/2024 đánh dấu mốc kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil (8/5/1989 - 8/5/2024). Trải qua 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Brazil đã có được những động lực đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, thông qua đối thoại hiệu quả và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chính trị, văn hóa, giáo dục và công nghệ.
Điển hình, tháng 9/2023, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Brazil. Đây là chuyến thăm Brazil đầu tiên sau 17 năm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cam kết sâu sắc của Việt Nam trong việc phát triển tình hữu nghị giữa hai nước.
Quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Brazil có những động lực đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thư ký và các thành viên của Hội hữu nghị Brazil-Việt Nam do ông Pedro de Olivera làm trưởng đoàn vào tháng 9/2023, tại Brasilia, Brazil. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Những triển vọng tốt đẹp trong mối quan hệ song phương cũng được thể hiện qua việc trao đổi các đoàn doanh nghiệp gần đây, trong đó có chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến Sao Paulo vào năm 2023 và của đoàn doanh nghiệp Brazil đến Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vào tháng 3/2024. Các chuyến thăm này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các khu vực tư nhân của hai nước, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và mở đường cho các dự án đầu tư tiềm năng.
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị đánh giá, quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước Việt nam - Brazil ngày càng thực chất và hiệu quả. Quan hệ này đã và đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, hợp tác chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, trong khi quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng.
Không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư của hai nước trong những năm qua cũng phát triển mạnh mẽ, tạo được nhiều dấu ấn đậm nét. Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2023 tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Brazil đạt khoảng 7,11 tỷ USD, trong đó, Việt Nam nhập khẩu 4,7 tỷ USD và xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD trị giá mặt hàng.
Trong Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước đạt 2,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 676 triệu USD, tăng 5,5% và nhập khẩu từ Brazil đạt 1,5 tỷ USD, tăng 38%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Brazil trong 3 tháng đầu năm như: Túi sách, vali; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép các loại; cao su; điện thoại và linh kiện; xơ, sợi, dệt các loại; máy móc và thiết bị...
Mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang có đà xuất khẩu tốt và tăng trưởng ổn định tại thị trường Brazil. Ảnh minh họa |
Ông Ngô Xuân Tỵ - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang có đà xuất khẩu tốt và tăng trưởng ổn định tại thị trường Brazil. Hiện nay, hàng hóa, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này do nhu cầu nhập khẩu tại thị trường Brazil tương đối lớn.
Chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm Việt Nam tăng nhập khẩu từ Brazil thức ăn gia súc và nguyên liệu; bông các loại, ngô, đậu tương, quặng và khoáng sản khác... Nguyên nhân nhập khẩu tăng là do Việt Nam tăng nhập các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước đáp ứng cho nhu cầu trong nước và phục vụ sản xuất để xuất khẩu. “Sản phẩm các mặt hàng nhập khẩu từ Brazil đạt chất lượng tốt và ổn định, đồng thời giá rất cạnh tranh và hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu về nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước” - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil Ngô Xuân Tỵ thông tin.
Dù có nhiều điểm sáng ấn tượng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, song theo Thương vụ, quan hệ hợp tác giữa hai bên còn nhiều thách thức, nhất là về khoảng cách địa lý xa; chi phí vận chuyển cao, hệ thống logistics chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu của hai nước. Chưa kể, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.
Ngoài ra, Trưởng Thương vụ Ngô Xuân Tỵ cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như các địa phương, hiệp hội vẫn còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường và bảo vệ các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Kiến nghị đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hợp tác thương mại, kết nối giao thương giữa hai nước, ông Ngô Xuân Tỵ cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hàng hóa tại thịt rường Brazil thông qua các Hội chợ, hội nghị xúc tiến tại địa bàn hoặc gửi hàng hóa, thông tin doanh nghiệp để Thương vụ giới thiệu với khách hàng tại các hội chợ, hội nghị và sự kiện xúc tiến thương mại.
Cùng đó, Thương vụ kiến nghị, đẩy mạnh phát triển hơn nữa mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu. Bởi hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa cao sẽ ảnh hưởng và cạnh tranh trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng với các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.
“Bộ Công Thương cần đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil, vì đây là cữa ngỏ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ” - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiến nghị và cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần sự liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong nước để cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và cùng hợp tác để mở rộng thị trường tại Brazil và các nước kiêm nhiệm của Thương vụ nói riêng cũng như khu vực Nam Mỹ nói chung. Bởi hiện nay việc củng cố quan hệ hợp tác với Brazil nói riêng và các quốc gia tại khu vực nói chung, nhất là các quốc gia trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy khởi động đàm phán hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và khối Mercosur.
Theo Báo Công Thương