Làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản

Bảo Ngọc

Tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản là đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Quan hệ chính trị, thương mại không ngừng phát triển

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 21 tháng 9 năm 1973. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng,… từ cấp lãnh đạo trung ương tới các cấp cơ sở, các địa phương. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009 và nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” vào năm 2014.

Làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản
Hàng Việt Nam được bán tại siêu thị AEON - Nhật Bản

Chia sẻ về quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi – Bộ Công Thương thông tin, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Trong 10 tháng đầu năm nay, do tình hình khó khăn chung, thương mại hai chiều giữa hai quốc gia có sự giảm sút. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang Nhật Bản đạt 19,212 tỷ USD, giảm 4,1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Nhật Bản ước đạt 17,56 tỷ USD, giảm 11,1%.

Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, ngày 26/11, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27-30/11.

Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị Người đứng đầu Nhà nước và là chuyến thăm Nhật Bản thứ tư của các Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Nhìn chung, cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng gồm: Thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại…

Làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Nhật Bản

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Có thể nói, nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho Nhật Bản.

Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những FTA này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Năm 2023, Việt Nam – Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời là năm đánh dấu quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực với với sự tin cậy chính trị cao.

Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD; 10 tháng năm 2023 đạt gần 37 tỷ USD.

Quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản đã và đang được hỗ trợ rất tích cực thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục là đối tác đầu tư và viện trợ ODA hàng đầu tại Việt Nam.

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi doanh nghiệp hai bên khai thác những lợi thế, ưu đãi về thuế từ các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, RCEP…

Đẩy mạnh quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản

Tại Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đã khẳng định phương hướng hợp tác song phương thời gian tới trong từng lĩnh vực.

Cụ thể, ở lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng nhất trí việc thành lập Nhóm công tác chung giữa hai Bộ nhằm xây dựng các dự án đồng sáng tạo hướng tới tương lai của hai quốc gia, qua đó hợp tác để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp hướng tới tương lai như chất bán dẫn, AI, công nghiệp không gian, công nghệ sinh học… là xu thế tất yếu, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng đã thảo luận trao đổi các nội dung hợp tác thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thông qua việc triển khai có hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Khuôn khổ hợp tác đa phương mà hai nước cùng là thành viên.

Về Hiệp định CPTPP, hai Bộ trưởng hoan nghênh Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với toàn bộ các nước ký kết ban đầu và việc Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế thứ 12 gia nhập CPTPP vào năm 2023. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất quan điểm sự mở rộng Hiệp định cần dựa trên cơ sở duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định, cũng như những kinh nghiệm mà các thành viên CPTPP đã đúc kết được từ quá trình đàm phán gia nhập của Vương quốc Anh.

Về Hiệp định RCEP, hai Bộ trưởng hoan nghênh việc thành lập Đơn vị hỗ trợ RCEP sẽ giúp việc thực thi Hiệp định đạt hiệu quả cao, đồng thời đánh giá cao việc một số nền kinh tế quan tâm đến việc gia nhập Hiệp định.

Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), hai Bộ trưởng hoan nghênh việc các nước thành viên hoàn tất cơ bản các nội dung đàm phán thuộc Trụ cột II về chuỗi cung ứng, hướng tới mục tiêu hoàn tất thủ tục trong nước và ký kết trong thời gian tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tồn tại nhiều nhân tố khó dự đoán, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tìm kiếm các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, mở cửa thị trường các sản phẩm nông sản, triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước giao thương, trao đổi thương mại và đầu tư...

Để hàng hoá Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh, không giống như Việt Nam, lạm phát tại Nhật Bản rất thấp, mục tiêu lạm phát đặt ra hàng năm chỉ khoảng 2%, thậm chí thường rơi vào giảm phát nên giá cả không đổi. Bởi vậy, nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý không tăng giá quá mạnh, tránh làm mất khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, điểm cốt yếu là doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì được chất lượng đồng đều của sản phẩm.

Báo cáo khảo sát năm 2022 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy: 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Vì vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng: Việc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở mới, mở thêm nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo Báo Công Thương

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: