Giá cà phê xuất khẩu tăng nhưng cà phê Việt Nam đã cạn dần, tồn trong kho không nhiều. Lo ngại tình trạng hạn hán khiến giá cà phê tăng mạnh tuần qua.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 giảm 22 USD/tấn, ở mức 3.744 USD/tấn, giao tháng 7/2024 giảm 19 USD/tấn, ở mức 3.679 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 5,75 cent/lb, ở mức 212,5 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 5,2 cent/lb, ở mức 211 cent/lb.
Tổng kết tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 265 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 tăng 23,65 cent. Giá cà phê nội địa tiếp tục tăng 5.000 đồng/kg.
Giá cà phê xuất khẩu tăng nhưng cà phê Việt Nam đã cạn dần, tồn trong kho không nhiều. Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) cho biết, lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2023 - 2024 của Việt Nam ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn.
Cuối tháng 3/2024, sau 5 tuần tăng liên tiếp, giá cà phê Robusta đã rút ngắn khoảng cách với Arabica xuống còn khoảng 700 USD. Đợt tăng giá mạnh tuần này giúp cà phê Arabica tái lập khoảng cách với cà phê Robusta lên gần 1.000 USD/tấn.
Đợt tăng giá mạnh của cà phê Arabica tuần này cho thấy cảnh báo của một số doanh nghiệp về việc giá cà phê Robusta tăng quá cao sẽ khiến thị trường tìm kiếm nguồn cung mới, có vẻ đúng. Nhưng ngược lại, giá cà phê Arabica tăng tới 566 USD/tấn, gấp đôi mức tăng của Robusta chỉ trong 1 tuần cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ và thu mua cà phê của thị trường thế giới cao. Điều này củng cố cho nhận định của nhiều người rằng xu hướng giá cà phê sẽ tiếp tục tăng.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tại Việt Nam, mùa khô năm nay đến sớm hơn mọi năm và tình hình nắng nóng kéo dài khiến mực nước tại các hồ đập trên địa bàn một số tỉnh giảm nhanh. Lo ngại tình trạng hạn hán có thể ảnh hưởng đến cây trồng khiến giá cà phê tăng mạnh trong tuần vừa qua.
Lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2023 - 2024 của Việt Nam ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn |
Đầu tháng 4, Tây Nguyên đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo hạn hán năm nay khốc liệt hơn mọi năm. Mực nước và lưu lượng trên các sông suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.
Theo số liệu thống kê từ Eurostat, trong năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 4,05 triệu tấn, giá trị lên tới 19,17 tỷ EUR (tương đương 20,79 tỷ USD). So với năm 2022, nhập khẩu cà phê của EU giảm 9% về lượng và giảm 10,2% về giá trị.
Nguyên nhân khiến EU giảm nhập khẩu cà phê là do nền kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân châu Âu được dự báo sẽ bùng nổ trong năm nay.
Theo Liên đoàn Cà phê châu Âu, Liên minh châu Âu có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới. Quy mô thị trường cà phê châu Âu dự tính đạt 47,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ đạt 58,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng bình quân 3,96% trong giai đoạn 2024-2029.
Với lượng xuất khẩu 652 nghìn tấn cà phê, giá trị đạt 1,53 tỷ EUR (1,66 tỷ USD), Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai cho EU trong năm 2023 tính theo sản lượng, còn tính về giá trị xếp thứ 3.
Đáng chú ý, cà phê Việt xuất khẩu sang thị trường EU chỉ giảm nhẹ 1,4% về lượng và giảm 0,02% về trị giá so với năm 2022. Do đó, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 14,85% năm 2022 lên 16,08% năm 2023.
Hiện giá cà phê nhân xô của nước ta đồng loạt vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg - mức giá cao nhất mọi thời đại. Cụ thể, giá cà phê ngày 6/4 trung bình ở mức 102.500 đồng/kg. Tại các vùng trọng điểm như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, giá cà phê nhân xô được thu mua cao nhất ở mức 104.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam - cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Các nhà rang xay trên toàn cầu vẫn có nhu cầu cao và đang tìm nguồn hàng từ Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 5/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới. Có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024.
Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu của châu Âu rất lớn và nguồn cung cấp gần như hoàn toàn từ cà phê Robusta của Việt Nam, ít nhất là từ nay đến hết tháng 4/2024.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, cà phê Robusta Việt Nam có vị thế tương đối vững chắc, không thể thay thế trên thị trường thế giới. Dù nguồn cung thiếu hụt, hạt cà phê nước ta vẫn được các nhà rang xay nước ngoài săn đón, chờ đợi thay vì tìm kiếm nguồn cung mới. Điều này sẽ là cơ sở, dư địa để giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng.
Theo Báo Công Thương