Thị trường giảm nhập khẩu, xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam dự kiến sẽ sụt giảm khoảng 15 - 17% so với năm 2022.
Lý do khiến xuất khẩu viên nén gỗ sụt giảm
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu viên nén gỗ đạt trên 787 triệu USD, tăng hơn 90% so với năm 2021. Tuy nhiên, năm 2023, với những yếu tố tác động từ thị trường nhập khẩu, dự báo, xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam sẽ sụt giảm khoảng 15 - 17% so với năm 2022.
Năm 2023, xuất khẩu viên nén gỗ dự kiến sụt giảm 17% so với năm ngoái. Ảnh Nguyễn Hạnh |
Là doanh nghiệp sản xuất viên nén xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, ông Lê Văn Tuyển - Giám đốc Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ (Quảng Trị) - cho hay, nếu năm ngoái, tình hình thị trường “khá chạy” thì năm nay ngược lại, tình hình bán hàng rất chậm. Mặc dù đơn hàng đã ký, nhưng khách hàng trì hoãn việc lấy hàng.
Nguyên nhân do, năm ngoái, thị trường này nhập hàng nhiều hơn cần thiết, lượng tồn kho còn nhiều, dùng chưa hết. Các kho bên Nhật Bản đã đầy, nhập hàng về họ cũng không biết để đâu. Bên cạnh đó, qua trao đổi với một số khách hàng thì được biết, một số nhà máy chuyển đổi từ các nhà máy nhiệt điện đốt bằng các vật liệu khác như than đá,… sang viên nén. Việc chuyển đổi này vẫn chưa được thông suốt, tình trạng các nhà máy bị gặp trục trặc vẫn xảy ra, do đó, họ phải dừng lại để xử lý sự cố.
“Hiện, giá viên nén đang ở mức 140 - 145 USD/tấn với các hợp đồng mới ký, còn với các hợp đồng đã ký từ trước đó thì mức giá này chỉ khoảng 130 - 140 USD/tấn. Đáng chú ý, có thời điểm giá viên nén gỗ xuất khẩu xuống còn 100 USD/tấn, giảm gần một nửa so với thời điểm cao nhất của năm 2023”, ông Lê Văn Tuyển cho biết.
Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Công ty Tâm Phúc Gia Lai, trước đây doanh nghiệp cũng xuất khẩu đi Hàn Quốc, nhưng không cạnh tranh được với hàng Nga. Giá viên nén xuất khẩu đi Hàn Quốc đang rất thấp. Hiện giá bán 120 USD, trong khi giá thành 125 - 130 USD, đơn hàng ít, tình hình thị trường vẫn thiếu các yếu tố tích cực.
Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu, lượng viên nén của Việt Nam xuất sang thị trường Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác, bao gồm cả nguồn cung từ Nga.
Đa dạng tệp khách hàng, nắm bắt cơ hội thị trường
Việt Nam, quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu viên nén, trên 95% viên nén của Việt Nam được xuất vào Nhật và Hàn Quốc.
Theo ước tính, ngành viên nén gỗ hiện có sự tham gia của 400 - 500 doanh nghiệp đang tham gia khâu sản xuất và thương mại xuất khẩu. Trong đó có khoảng trên dưới 100 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào khâu xuất khẩu. Điều này có nghĩa phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đóng vai trò sản xuất, cung sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ nhận định, phải đến quý II/2024 tình hình thị trường xuất khẩu mới có thể được cải thiện. Dự báo là vậy nhưng thực tế không biết ra sao. “Chúng tôi cũng tin tưởng tốc độ tiêu thụ của các nhà máy nhiệt điện Nhật Bản ổn định trở lại thì đến năm 2024 thị trường sẽ khả quan hơn giai đoạn 2023 vừa rồi”, ông Nguyễn Văn Hiển nói.
Thị trường viên gỗ nén toàn cầu được nhận định sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD vào năm 2030. Các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn về thị trường chỉ mang tính chất ngắn hạn, về dài hạn, tiềm năng vẫn là rất lớn. Do đó, việc đa dạng tệp khách hàng cũng là hướng đi mà các doanh nghiệp tính đến.
“Chúng tôi cũng đã đầu tư 1 nhà máy mới ở Kom Tum công suất 80 nghìn tấn/năm, chạy từ đầu năm đến nay với công suất 30 - 40% để chờ đón cơ hội thị trường”, ông Nguyễn Văn Hiển nói.
Với khách hàng Nhật Bản, ông Lê Văn Tuyển cho hay, hiện doanh nghiệp đang tìm kiếm các đối tác, ký kết các hợp đồng dài hạn 5 - 10 năm. Về giá, doanh nghiệp cũng đang đàm phán theo hướng 1 phần phải thả nổi theo thị trường, thị trường biến động bao nhiêu % thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá. Tuy nhiên, việc này chưa tìm được tiếng nói chung với khách hàng Nhật Bản.
Với thị trường EU, theo ông Tuyển, giá xuất khẩu sang thị trường này sẽ tốt hơn sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, thị trường EU có các tiêu chuẩn khá khắt khe, doanh nghiệp xuất khẩu gặp rào cản về chứng chỉ, ngoài FSC, họ yêu cầu tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và nhiều tiêu chuẩn khác. Ngoài ra, viên nén gỗ Việt sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn với viên nén gỗ của Nga về chất lượng và giá bán. Do đó, để có thể thành công tại thị trường EU, các doanh nghiệp cần phải làm theo chuỗi, hoặc thông qua các doanh nghiệp làm thương mại.
Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends nhận định, tính bền vững của ngành viên nén của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cầu của thị trường và tính bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào.
Ngành viên nén Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Nhật Bản. Theo đánh giá của các doanh nghiệp viên nén, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ tại Nhật Bản sẽ mở rộng gấp 3 lần so với hiện tại.
Viên nén xuất khẩu vào Nhật Bản đòi hỏi cần có chứng chỉ bền vững. Do nguồn cung viên nén làm từ vỏ dầu cọ (PKS) có nguồn gốc từ Indonesia có thể sẽ không đạt được chứng chỉ và do vậy không đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thay thế nguồn cung PKS từ Indonesia.
Tại thị trường Hàn Quốc, dư địa phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai không nhiều. Quy mô của thị trường này không có nhiều thay đổi. Đây là thị trường tương đối dễ tính, chấp nhận các nguồn cung với chất lượng và tiêu chuẩn không cao.
Theo một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang xuất khẩu viên nén vào Hàn Quốc, một số nhà mua lớn của thị trường này đang bắt đầu đòi hỏi các bằng chứng về truy xuất nguồn gốc. Nên trong 4 - 5 năm tới, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm có thể sẽ là bắt buộc khi xuất khẩu vào Hàn Quốc.
Theo Báo Công Thương