Dù đã có sự tăng trưởng rất ấn tượng trong thời gian qua, song xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tạo nên những bước tiến mới trong tương lai.
Xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ vượt mốc 7 tỷ USD. |
Có sản phẩm tốt sẽ có khách hàng tốt
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tính đến hết tháng 9 đạt 5,64 tỷ USD, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 3,79 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 67% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 9 tháng qua.
Là DN có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của DN luôn đạt mức rất cao, năm sau đều gần như gấp đôi năm trước. Để có được sự tăng trưởng này, ông Tiến cho biết, Công ty Ameii đã phải đồng hành cùng bà con nông dân, hợp tác xã để thay đổi quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện liên quan đến vi sinh vật gây hại…
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam: Thông tin thị trường chính là ngọn hải đăng để DN có thể thấy được những việc cần làm để khai thác tốt thị trường. |
“Chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật tới đồng hành cùng bà con nông dân để hướng dẫn quy trình kỹ thuật, từ trồng, chăm sóc đến sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất. Thời gian từ lúc thu hoạch đến khi về nhà máy chế biến cũng phải đảm bảo để giữ được độ tươi ngon của sản phẩm” – ông Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, DN cũng đầu tư máy móc công nghệ chế biến để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được giá trị, bản sắc riêng của nông sản Việt Nam. Ông Tiến quan niệm, có sản phẩm tốt sẽ có khách hàng tốt. Còn nếu có khách hàng tốt nhưng không có sản phẩm tốt thì cuối cùng khách hàng tốt cũng sẽ rời đi.
Nhận định về sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản, trái cây trong thời gian qua, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu lên một số nguyên nhân. Trước tiên là người nông dân và DN đã từng bước chuẩn hóa quy trình canh tác, tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là sự đầu tư của các DN về công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói. Đặc biệt, theo ông Tuấn, ngành hàng trái cây thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Nhà nước. Điều này cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các đối tác. Điển hình như phía Trung Quốc luôn khẳng định sẵn sàng mở cửa cho nông sản của Việt Nam và cơ quan chuyên môn hai nước đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chỉ ra rằng, từ khi có Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc ký vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng vượt bậc và sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 của ngành rau quả Việt Nam, với giá trị đạt hơn 2,2 tỷ USD năm 2023 và đã vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Mới đây, Việt Nam tiếp tục ký thêm được 2 Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, 2 sản phẩm này của Việt Nam cũng sẽ đến được thị trường Trung Quốc sau khi các DN đã có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đáp ứng được các quy định khác của Trung Quốc và ký kết được những đơn hàng xuất khẩu.
Dư địa cho phát triển bền vững
Với sự tăng trưởng cao và liên tục trong những năm gần đây, xuất khẩu trái cây còn dư địa ra sao để tăng trưởng trong thời gian tới? Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Khắc Tiến khẳng định dư địa này phụ thuộc phần lớn vào bản thân DN và người nông dân. Bởi xu hướng tiêu dùng của thế giới hiện đang quay về các sản phẩm nông sản có tiêu chí xanh, sạch và an toàn. Đây chính là dư địa cho sự tăng trưởng thời gian tới.
Theo ông Tiến, cơ chế hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo hành lang thông thoáng cho nông sản Việt cất cánh đi xa hơn. Nhưng có thực sự đi xa được hay không thì lại phụ thuộc vào việc người nông dân sản xuất ra sản phẩm như thế nào và DN đồng hành ra sao để bắt kịp xu thế tiêu dùng của thế giới.
“Tại mỗi thị trường xuất khẩu, Ameii đều phải tìm hiểu rất kỹ về tập quán tiêu dùng để có sự điều chỉnh về bao bì, tem nhãn, khẩu vị khác nhau cho từng thị trường. Sau khi nắm bắt và có sự điều chỉnh, nhu cầu tại các thị trường này đều phát triển rất tốt” – ông Tiến chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Tiến, ông Tuấn đánh giá việc am hiểu “gu” của từng thị trường sẽ giúp DN thâm nhập và phát triển tốt hơn. Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng logistics cũng là một dư địa cho sự phát triển của nông sản, trái cây Việt Nam. Việc tối ưu quy trình logistics không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó khai thác thêm nhiều thị trường mới.
Đối với thị trường Trung Quốc, ông Tuấn cho hay, lâu nay trái cây Việt Nam chưa vươn được tới những đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải… Theo đó, DN cần liên kết với nhau để nghiên cứu thị trường và cùng chia sẻ miếng bánh thị trường. Làm được điều này, trái cây Việt Nam sẽ có thể đi rất xa, giảm bớt chi phí và xây dựng được thương hiệu trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Từ góc độ DN, ông Tiến cũng mong muốn nhận được hỗ trợ của Nhà nước về vấn đề thông tin thị trường. Bởi không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực để nghiên cứu thị trường. “Thông tin thị trường chính là ngọn hải đăng để DN có thể thấy được những việc cần làm để khai thác tốt thị trường” – ông Tiến nhận định. Bên cạnh đó, thông tin về các đối tác tại nước ngoài cũng là yếu tố quan trọng để DN có thể mạnh dạn tiến tới hợp tác.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên cũng đánh giá, dân số tăng, nhận thức và nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe đang tăng lên trên toàn cầu, là những nguyên nhân chính đang giúp cho xuất khẩu rau quả Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực. Dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD và hoàn toàn có thể đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.
Theo Haiquanonline