Phát triển doanh nghiệp logistics xanh, hướng đến chuỗi cung ứng bền vững

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng, cũng như giảm chi phí logistics, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam đã và đang phát triển xanh hướng đến chuỗi cung ứng bền vững.

Cảng Cát Lái TPHCM sẽ được xây dựng Trung tâm logistics quy mô lớn. 	Ảnh: T.H
Cảng Cát Lái TPHCM sẽ được xây dựng Trung tâm logistics quy mô lớn. Ảnh: T.H

Logistics xanh là xu thế tất yếu

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngày càng đặt ra yêu cầu cao từ sản phẩm xuất khẩu, cũng như sự cam kết của các quốc gia sẽ không còn phát thải nhà kính vào năm 2050, hoạt động logistics xanh được coi là một trong những xu hướng và yêu cầu tất yếu. Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam, để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, ngoài việc tăng cường kiểm soát, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chuyển đổi số sản xuất, DN quan tâm các xu hướng công nghệ thông tin được đề xuất bao gồm logistics thông minh, theo dõi, truy vết và logistics xanh. Chính vì vậy, cần cải thiện cơ sở hạ tầng logistics, tăng cường vận chuyển thân thiện với môi trường, kết nối giữa các tổ chức để thúc đẩy phát triển logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.

Cùng quan điểm này, bà Phùng Thị Lan Phương, Chuyên gia Thương mại quốc tế, nguyên Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) thông tin, 90% người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ các DN đạo đức và có trách nhiệm xã hội, đồng thời 43% họ đánh giá cao nhãn hàng và DN thân thiện với môi trường. Theo bà Phương, nhờ thực hiện những thay đổi chính sách quan trọng, Việt Nam nằm trong top 3 nước đang phát triển (sau Ấn Độ và Philippines) có xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho công nghệ tiên phong (công nghệ xanh) cao hơn nhiều so với kỳ vọng tính theo GDP bình quân đầu người (cao hơn 44 bậc so với kỳ vọng).

Ông Phan Huy Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TPHCM nhận định, Việt Nam là một trong 6 nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững và cam kết tại COP26. Áp lực xanh hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là với nền kinh tế xuất khẩu, cùng với nhận thức về tác động ô nhiễm lớn từ hoạt động logistics, đã thúc đẩy nhu cầu phát triển nhanh và bền vững. Quan điểm phát triển của Việt Nam tập trung vào sự kết hợp giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó chuyển đổi số được xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững.

Là một trong những DN có dịch vụ logistics phát triển nhất cả nước, hướng đến cảng xanh, logistics xanh, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chia sẻ, để đạt được tiêu chí cảng xanh, với các dịch vụ tiện ích, giảm chi phí, hiện nay, cảng Cát Lái đã thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện, tiết kiệm 1,5 - 2 triệu USD phí nhiên liệu/năm. Tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEU, thay thế được khoảng 2.000 xe ô tô chở container. Đồng thời, áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông…

Giảm chi phí logistics

Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho rằng, hiện Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng nhiều tuyến đường kết nối đến các vùng nguyên liệu… giúp thời gian vận chuyển được rút ngắn rất nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để nông dân, hợp tác xã có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất. Đồng thời, cần quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, bao gồm có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế, từ đó nâng cao chất lượng, ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực, giảm chi phí logistics.

Bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU cho biết, nông sản Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít bất lợi khi xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc các hãng hàng không nước ngoài, phí vận chuyển nâng hạ tùy vào các hãng. Còn vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy… trái cây rất dễ bị hư hỏng, giảm sức cạnh tranh.

Liên quan đến lĩnh vực phát triển logistics xanh, PGS TS Hồ Thị Thu Hòa thông tin, theo khảo sát từ chủ sở hữu hàng hóa và nhà cung cấp dịch vụ logistics do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam thực hiện từ tháng 8/2023 đến tháng 10/2023 cho thấy, trong lĩnh vực logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp, DN cam kết mạnh mẽ với 44,23% đánh giá rất tốt, 25% đánh giá tốt. DN nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh. Tuy nhiên, các DN đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu, như chi phí cao và chính sách nhận hàng... Từ thực tế này, bà Hồ Thị Thu Hòa đề xuất các giải pháp để phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu. Cụ thể, để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, DN cần tăng cường kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân viên, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường vận chuyển thân thiện với môi trường và kết nối giữa các tổ chức để thúc đẩy phát triển logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.

Để phát triển dịch vụ logistics xanh, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, các DN cần tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La Tinh bên cạnh các thị trường truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tập trung thực hiện các dự án có hiệu quả cao cho Hội viên. Phấn đấu tới năm 2030, 100% Hội viên thực hiện có kết quả công tác chuyển đổi số, phục vụ kinh doanh có hiệu quả. Triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản. “Đặc biệt, các DN logistics phấn đấu vượt các chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Quyết định 221/2021/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025”- ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: