Một trong những nhiệm vụ được đưa ra trong Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đó là tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại.
Logistics là “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...
Bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân
Với sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào kinh tế quốc tế, cùng sự phát triển của đầu tư công và việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics đến năm 2025, trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực và khả quan.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).
Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất Việt Nam trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 648 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.
Có được kết quả nêu trên, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng đa chiều với tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành dịch vụ logistics vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Logistics chính là “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân và chủ thể của nó là hàng hóa. Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng trong hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.
Cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu
“Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi khẳng định và tin tưởng, Việt Nam đã, đang và sẽ có rất nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, với hệ thống giao thông hiện nay đã được trải dài và rộng khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó, bao gồm cả 5 hệ thống giao thông (đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường biển). Các hạ tầng logistics bao gồm kho bãi, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng về quy mô. Các dịch vụ đi kèm của các doanh nghiệp logistics hiện nay đã, đang thích nghi rất kịp thời và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, bà Nguyễn Thị Mai Linh tin tưởng.
Ở góc độ Chính phủ, trong giai đoạn 2022 - 2024, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được đầu tư vào các dự án quan trọng, dự án trọng điểm và một phần không nhỏ trong số này đã được đưa vào hệ thống hạ tầng giao thông. Đây là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế cũng như huyết mạch của ngành dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như: Nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ tám có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển của lĩnh vực logistics, trong đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ là nhân tố vô cùng chiến lược để có thể đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế nói chung, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Đồng thời, với sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là động lực cho sự phát triển ngành dịch vụ logistic. Đặc biệt là logistics thương mại điện tử.
Theo đó, Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Chính sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra sự thay đổi của ngành logistics trong việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ song hành cùng với các Hiệp hội, doanh nghiệp để đưa Việt Nam tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi giá trị cung ứng trên toàn cầu trong bối cảnh mới này.
Phát triển dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng
Theo dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo, nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ và diễn biến vô cùng khó lường ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Cùng với đó, xu hướng phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới, cùng với yêu cầu ngày càng cao về logistics xanh và phát triển bền vững vừa là cơ hội và cũng là thách thức với ngành dịch vụ logistics Việt Nam, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang có độ mở cao như hiện nay.
Năm 2024 là năm nước rút để đạt được mục tiêu về phát triển dịch vụ logistics đặt ra theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh này cũng đến giai đoạn sắp kết thúc. Việt Nam cần có chiến lược dài hơn, bài bản hơn và phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế hiện nay.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Công Thương cũng đã tích cực trao đổi với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, các Hiệp hội, các doanh nghiệp để rà soát lại toàn bộ các hoạt động logistics trong 10 năm qua. Đồng thời, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp hơn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đã được triển khai và ban hành trong thời gian vừa qua. Từ đó, tạo ra được khung khổ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt, nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
Với tính quan trọng của Chiến lược, Bộ Công Thương cũng đã triển khai các cuộc xin ý kiến của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, nhiều hội thảo khoa học để xin tư vấn của các chuyên gia đầu ngành về logistics, từ đó xây dựng Chiến lược nhằm đảm bảo được các mục tiêu đặt ra.
Thứ nhất, phát triển dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng, coi dịch vụ logistics là yếu tố động lực dịch vụ hạ tầng thiết yếu để thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân.
Thứ hai, phát triển dịch vụ logistics sẽ là ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao và hàm lượng tri thức cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngày càng sâu và rộng hiện nay và với sự tham gia của rất nhiều các thành phần kinh tế.
Thứ ba, phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng logistics một cách đồng bộ, hiện đại, an toàn, khoa học. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam.
Thứ tư, phát triển dịch vụ logistics gắn liền với việc đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam mà là thành viên.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực logistics có chất lượng cao.
Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ để xem xét, ký ban hành Chiến lược trong quý IV năm 2024. Việc này chậm hơn so với tiến độ đề ra do chúng tôi xác định cần phải rà soát thật kỹ các nội dung để sau khi Chiến lược được ký sẽ đảm bảo việc thực thi được hiệu quả.
Sau khi Chiến lược được ban hành, Bộ Công Thương sẽ ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện, trong đó, dự kiến sẽ có 60 nhóm giải pháp xoay quanh những vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy về những hạn chế, thách thức. Từ đó, có thể giảm thiểu các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua.
Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực quyết tâm của các doanh nghiệp và các Hiệp hội, Đại diện Cục Xuất nhập khẩu hi vọng sự phát triển của ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới sẽ là góp phần khơi thông hàng hóa thương mại, xuất nhập khẩu; đồng thời, góp phần hiện thực hóa được tất cả các mục tiêu về tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra trong thời gian qua trong một tương lai rất gần.
Theo Vietnamexport tổng hợp