Chiều 11/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương.
Quang cảnh Hội nghị |
Chỉ số chứng khoán có sự bứt phá mạnh mẽ
Theo báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 trải qua nhiều biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán quốc tế.
Nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lứn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.
Sang quý 3/2023, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Ngày 12/9/2023, chỉ số VN-Index đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, đóng cửa ở mức 1.245,44 điểm, tăng 24% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh giảm nhưng đã dần ổn định trong thời gian gần đây.
Tính đến ngày 30/11, chỉ số VN-Index đạt 1.094,13 điểm, tăng 8,6% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 226,15 điểm, tăng 10,2 so với cuối năm 2022.
Tương tự với diễn biến của chỉ số, sau giai đoạn trầm lắng trong những tháng đầu năm, thanh khoản thị trường bước sang quý 3 đã được cải thiện đáng kể với giá trị giao dịch bình quân đạt 24.641 tỷ đồng/phiên, tăng 80% so với mức giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Sang đến tháng 10, thanh khoản sụt giảm trở lại cùng với áp lực điều chỉnh của thị trường chứng khoán. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.492 tỷ đồng/phiên, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng so với cuối năm 2022. Tính đến ngày 30/11/2023, mức vốn hóa thị trường đạt 5.754 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2022, tương đương 60,5% GDP.
Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 11/2023 đạt 2.092 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2022 với 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Cũng theo Uỷ ban Chứng khoán, trong năm 2023, thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán vẫn tăng 355.672 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,25 triệu tài khoản, tương đương 7,3% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Đầu tư cho công nghệ để vận hành thị trường thông suốt
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao những kết quả mà UBCKNN đã nỗ lực đạt được trong năm 2023. Thứ trưởng cho biết, năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phát triển ổn định, bền vững đúng chủ trường, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngành Chứng khoán đã đạt được bước tiến đúng đắn là hướng tới thị trường minh bạch, phát triển lành mạnh và công bằng. Nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đã bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức tối đa, những vi phạm hình sự đã được chuyên sang cơ quan điều tra.
Thứ trưởng khẳng định điểm sáng chủa thị trường trong năm qua chính là việc kiên quyết lập lại trật tự thị trường, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đưa chủ thể thị trường vào khuôn khổ pháp lý, tuân thủ quy luật của thị trường.
Chỉ đạo công tác quản lý, phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị UBCKNN phối hợp với các đơn vị, các sở giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam, các thành viên thị trường sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai dự án công nghệ thông tin quản lý và điều hành hệ thống giao dịch KRX.
Năm 2024 vẫn là một năm còn tiềm ẩn nhiều lo ngại đối với kinh tế thế giới, khu vực và trong nước. Theo đó, thị trường chứng khoán cũng sẽ gặp khó khăn tương tự. Đây chính là cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn nhận lại chính mình, từ đó khắc phục những điểm còn yếu, thanh lọc lại thị trường để phát triển thị trường an toàn, lành mạnh và bền vững.
Cùng với đó, Thứ trưởng nhấn mạnh đến nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý; đặc biệt quan tâm chú trọng giám sát thị trường và tiến thêm 1 bước dài hơn năm 2023 là giữ cho thị trường phát triển minh bạch, công bằng, xử lý nghiêm các chủ thể vi phạm; tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường; chuẩn bị thực hiện sớm các điều kiện để nâng hạng thị trường; đầu tư cho công nghệ thông tin để vận hành thị trường thông suốt.
Thứ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là điều hành thị trường minh bạch, phát triển thị trường trên cơ sở niềm tin của nhà đầu tư để thị trường lành mạnh và công bằng, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, quan trọng cho nền kinh tế.