Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 chỉ rõ, khu vực thị trường châu Âu là thị trường trọng điểm của hàng hoá Việt Nam.
Khu vực quan trọng với hàng hoá xuấu khẩu
Ngày 19 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 (Quyết định số 493/QĐ-TTg). Trong đó, châu Âu được xác định là một trong những thị trường quan trọng cho hàng hoá xuất khẩu.
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Âu |
Theo đó, về quan điểm Chiến lược, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 đã xác định các quan điểm phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Các yếu tố bền vững: Hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, về mục tiêu đối với khu vực thị trường châu Âu, Chiến lược đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030. Đồng thời, tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030.
Đối với định hướng phát triển thị trường, Chiến lược nêu rõ, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Đồng thời, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, trong đó có EU. Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Đông Âu, Bắc Âu, hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.
Đối với nhập khẩu hàng hoá, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn. Trong đó, EU là một trong những thị trường trọng điểm vì đây là khối thị trường sở hữu công nghệ hiện đại.
Nhiều năm qua, EU luôn là thị trường trọng điểm của hàng hoá Việt Nam. Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU ước đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ thị trường EU ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 5,2%.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 chỉ rõ, thời gian tới, châu Âu vẫn sẽ là một trong những thị trường trọng điểm của hàng Việt Nam. Nguyên nhân do đây là khu vực xuất khẩu lớn và tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người và GDP đạt trên 18.000 tỷ USD. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam và người dân châu Âu rất ưa chuộng nhiều ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Tuy nhiên, hiện nay hàng hoá Việt Nam mới chỉ xuất khẩu tập trung ở khối Liên minh châu Âu (EU 27). Trong khi đó, nhiều thị trường khác còn rất nhiều tiềm năng song doanh nghiệp chưa thể khai thác hết. Do đó, mục tiêu của Bộ Công Thương trong thời gian tới là sẽ tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, châu Âu là khu vực thị trường có thu nhập cao, người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để có được loại hàng hoá mà họ mong muốn.
Thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực thị trường có đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nên nếu hàng hoá đã vào được thị trường châu Âu thì có thể vào được rất nhiều thị trường khác.
Đơn cử, thời gian gần đây, các lợi thế của hàng hoá Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... gọi chung là tiêu chuẩn xanh của EU.
Với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ngay cả trong trước mắt cũng sẽ không chỉ tác động trực tiếp tới 06 lĩnh vực công nghiệp thải ra nhiều các-bon bao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hidro (theo quy định sẽ phải nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31/01/2024) mà sẽ gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng.
Hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới được EU áp dụng trong thời gian tới, như “thỏa thuận xanh” của EU gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế, mà cơ chế CBAM chỉ là một nội hàm trong đó.
Cũng trong khuôn khổ thoả thuận xanh, tháng 06/2023, EU đã ban hành quy định chống phá rừng (EUDR), có hiệu lực từ cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cũng phải tính toán đến những xu hướng dài hạn này để có điều chỉnh, từ đó có thể đi được vào thị trường EU.
“Chúng ta thấy, các nhà đầu tư nước ngoài, khi vào Việt Nam thì họ cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường để chống biến đổi khí hậu. Ví dụ như là thải các-bon bằng 0, thậm chí họ còn cam kết là trồng rừng ở Việt Nam để bồi hoàn lại những chất các-bon được thải từ nhà máy của họ. Đó là những điều mà chúng ta nghe, nhìn để coi là hình mẫu, từ đó điều chỉnh doanh nghiệp của chúng ta, nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường này thì cũng phải đáp ứng được những quy định của họ, đặc biệt là đáp ứng được những mối quan tâm của người tiêu dùng ở thị trường khó tính này” - ông Lương Hoàng Thái lưu ý.
Theo các chuyên gia, Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 01/8/2020, thời gian qua đã giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tiếp cận và thâm nhập thị trường EU, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ưu đãi thuế quan, hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%. Kết quả trên cho thấy, EVFTA đã bước đầu phát huy hiệu quả của một Hiệp định thực chất và được kỳ vọng cao, nhưng đây vẫn là một Hiệp định còn nhiều dư địa để khai thác. EVFTA đã, đang và sẽ tạo ra cơ hội lớn để hàng hoá Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu như Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 đã đề ra.
Theo Báo Công Thương