Việt Nam có nhiều nông sản tươi như thanh long, chôm chôm và các sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan hay sản phẩm thủy sản rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong 25 năm qua. Quan hệ song phương từ mức khoảng 200 triệu USD năm 2000 đã đạt mức 15 tỷ USD năm 2022 đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu cân bằng và có sự bổ sung cho nhau. Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…
Nông sản tươi của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ |
Việt Nam - Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, thị trường của hai nước có sự bổ sung cho nhau và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam có nhiều nông sản tươi như thanh long, chôm chôm và các sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan hay các sản phẩm thủy sản như cá tra, cá basa rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ. Các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tận dụng tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trái cây như nho, lựu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc.
Trong đó, cà phê hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Ấn Độ song kim ngạch, tỷ trọng kim ngạch cà phê so với tổng lượng xuất khẩu nông sản còn hạn chế. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Ấn Độ khoảng 60 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Người dân Ấn Độ rất ưa chuộng cà phê hoà tan của Việt Nam. Bên cạnh L’amant thì những thương hiệu Trung Nguyên, G7 cũng đã phát triển rất tốt tại Ấn Độ. Đến nay, Chính phủ hai nước Việt Nam - Ấn Độ vẫn đang đàm phán để có thể giảm thuế nhập khẩu, khi đó lượng cà phê việt Nam sẽ thể hiện diện mạnh mẽ tại Ấn Độ.
Với dải khách hàng rộng lớn, dân số 1,4 tỷ người được chia thành 4 -5 nhóm với nhu cầu đa dạng. Bên cạnh cà phê, hiện tại xuất khẩu quế của Việt Nam sang thị trường Ấn độ chiếm khoảng 80% nhu cầu nhập khẩu quế của thị trường. Theo số liệu của Ấn Độ, trong năm tài chính 2022-2023, Ấn Độ nhập khẩu 38.000 tấn thì từ Việt Nam là 35.000 tấn.
Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Ấn Độ còn gặp nhiều khó khăn khi thị trường này thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại và thay đổi các chính sách liên quan. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư do khoảng cách địa lý, thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như chưa thể hiện được tiềm năng của thị trường.
Vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tiếp tục nhấn mạnh các vấn đề mà Việt Nam quan tâm, điển hình là hai nước cần hướng tới mục tiêu thương mại cao hơn theo hướng bền vững.
Nhận định Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng để hợp tác và thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng hai bên cần khai thác yếu tố bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hoá, đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất đối với các nhóm ngành hàng thế mạnh của mỗi bên như nhóm dệt may, da giày, hàng nông thuỷ sản chế biến, hàng công nghiệp, thức ăn gia súc, hoá chất và chất dẻo, dược phẩm, linh kiện điện tử,…
Doanh nghiệp Việt tích cực quảng bá nông sản Việt |
Song song với đó, tháo gỡ các rào cản thương mại cho hàng hoá xuất nhập khẩu hai nước. Thúc đẩy mở cửa thị trường đối với hàng hoá có thế mạnh của mỗi bên, đặc biệt là nông sản, trái cây tươi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, thương mại du lịch, thông qua việc thúc đẩy khai thác thêm các chuyến bay thẳng, tăng tần suất khai thác chuyến bay giữa các thành phố lớn của hai nước.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng do đó, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh chất lượng, doanh nghiệp phải có sự đầu tư về cả câu chuyện được kể đằng sau mỗi sản phẩm. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại sẽ cần được tập trung vào các giải pháp như việc tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại bằng cách kết hợp đa dạng các hình thức.
Song song với đó là đẩy mạnh việc định hướng thông tin về thị trường. Thúc đẩy sự sự tương tác lớn hơn giữa cơ quan Thương vụ tại nước sở tại và cần sự đầu tư tìm hiểu sâu hơn của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể có cơ hội lớn hơn ở thị trường này. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang Ấn Độ, tạo hệ sinh thái tại thị trường Ấn Độ.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Dân số Ấn Độ là khoảng 1,4 tỷ người với dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam. Ấn Độ xuất khẩu đứng thứ 8 thế giới và nhập khẩu đứng thứ 10 thế giới. Ấn Độ có kế hoạch nâng tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP lên 60% và đang nỗ lực mở cửa thị trường. Theo kết quả báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu BMI, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới vào năm 2027 nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Hiện tại, Ấn Độ đang đứng ở vị trí số 5 sau Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên dự báo chi tiêu, tiêu dùng của người dân nước này sẽ tăng 29% trong vòng hai năm tới, giúp quốc gia đông dân nhất thế giới tiến thêm hai bậc trên bảng xếp hạng nói trên. |
Theo Báo Công Thương