Xuất khẩu (XK) thủy sản tháng 4⁄2024 đạt 770 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá ngừ, cá tra, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ các loại đều ghi nhận tăng trưởng dương. Tuy nhiên, XK tôm tương đương tháng 4⁄2023 và XK mực-bạch tuộc và một số loài cá biển khác vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, XK thủy sản đạt tổng cộng 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kim ngạch đạt được 285 triệu USD, không có tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng XK tôm trong tháng 4/2024 vẫn đạt mức cao nhất kế từ đầu năm. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành tôm mang về doanh số 971 triệu USD, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo nhận định của các doanh nghiệp (DN), XK tôm sang các thị trường có dấu hiệu phục hồi vì lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu (NK) đã giảm nên nhu cầu NK bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng chưa thể hiện rõ nét khả năng hồi phục. Giá trung bình XK tôm sang các thị trường vẫn ở mức thấp so với năm 2022 và 2023. Ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn “phấp phỏng” trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp. Hiện nay Mỹ đang xét xét công nhận xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường, hy vọng đạt kết quả tích cực sẽ giúp cho rào cản thuế CVD được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các DN tôm XK Việt Nam.
XK cá tra trong tháng 4 tăng 13% đạt 168 triệu USD cũng là tín hiệu xanh đáng quan tâm, sau khi sụt giảm liên tục trong tháng 2 và tháng 3. Trong đó, XK khả quan hơn tại thị trường Mỹ, đặc biệt sau khi các DN cá tra tham gia Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ hồi tháng 3, tiếp sau đó là Triển lãm thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha cuối tháng 4. Ngoài các mặt hàng chủ lực là cá tra phile đông lạnh, các DN có khuynh hướng tăng cường giới thiệu các sản phẩm cá tra chế biến sâu, hàng GTGT và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà NK cũng như khách tham quan. Lũy kế 4 tháng đầu năm, XK cá tra đạt 579 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK cá ngừ trong tháng 4 tăng 28% đạt trên 86 triệu USD, đưa tổng giá trị XK 4 tháng đầu năm lên 301 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các ngành hàng khác, cá ngừ có tăng trưởng ổn định hơn trong cả 4 tháng qua (trừ tháng 2 giảm 11% do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, theo các DN cá ngừ, NK của các thị trường tăng trở lại vì tồn kho giảm chứ không phải vì thị trường tốt hơn và giá XK tốt hơn.
Trong khi XK mực, bạch tuộc giảm 14% trong tháng 4 thì XK nhuyễn thể có vỏ lại tăng 14%. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, 2 ngành hàng này mang về doanh số lần lượt là 182 triệu USD, giảm 4% và 43 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành chế biến XK cá ngừ, mực bạch tuộc và cá biển khác đều có chung nút thắt là thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ NK. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các qui định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn. Ví dụ, liên quan đến nguyên liệu hải sản khai thác NK, quy định tại Nghị định 37/2024 vừa ban hành tháng 4/2024 yêu cầu thông báo, khai báo hồ sơ trước khi cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu container là không khả thi. Hoặc NĐ 37 qui định: Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Quy định mới với khái niệm không rõ ràng về “trộn lẫn nguyên liệu” gây hoang mang cho DN và không hợp lý với thực tế SXXK của các DN hải sản.
XK cua ghẹ tới tháng 4 vẫn giữ được tăng trưởng ấn tượng 101%, với thị trường chủ lực là Trung Quốc và mặt hàng ưu thế là cua sống. Ngoài cua sống, có các mặt hàng khác như tôm hùm sống, hải sâm…của Việt Nam vẫn có dư địa lớn ở Trung Quốc vì thuận lợi vị trí địa lý, không bị áp lực cạnh tranh như hàng đông lạnh.
Xét về thị trường, trong top 5 nước NK lớn nhất, chỉ có XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc tăng nhẹ trong tháng 4, trong khi XK sang EU và Mỹ chỉ ở mức tương đương hoặc giảm nhẹ, đặc biệt, XK sang Trung Quốc – HK giảm trên 22%. Nhìn chung, các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên NK vẫn có tính thận trọng. Điển hình thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm từ tháng 2, sau khi tăng mạnh vào tháng 1 để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Thị trường Trung Quốc có nhiều nguồn cung cấp, giá cạnh tranh nên các đối tác Trung Quốc nhiều lựa chọn và tìm cách mua vào với giá thấp.
Kỳ vọng vấn đề tồn kho và dư cung sẽ giảm dần và có chiều hướng thuận lợi hơn cho các nhà XK thủy sản trong nửa cuối năm, khi đó XK có thể hồi phục trở lại nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản và cả tôm, cá tra được cởi mở.
XK thủy sản tháng 4/2024 và 4 tháng đầu năm 2024 |
||||
Sản phẩm |
T4/2024 (triệu USD) |
Tăng, giảm (%) |
T1-T4/2024 (triệu USD) |
Tăng, giảm (%) |
Tôm |
285,169 |
-0,5 |
971,516 |
9,6 |
Cá tra |
168,163 |
13,3 |
579,458 |
1,6 |
Cá ngừ |
86,330 |
28,5 |
301,296 |
21,7 |
Cá khác |
151,192 |
-9,4 |
567,375 |
-4,5 |
Mực, bạch tuộc |
43,083 |
-14,2 |
181,601 |
-3,7 |
Nhuyễn thể có vỏ |
12,531 |
14,1 |
42,754 |
-2,2 |
Nhuyễn thể khác |
561 |
80,7 |
2,007 |
11,1 |
Cua ghẹ và giáp xác khác |
23,312 |
101,0 |
75,322 |
82,4 |
Tổng |
770,341 |
3,8 |
2.721,329 |
5,7 |
Theo vietnamexport