Toạ đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển năm 2024: Gia tăng quan hệ hai chiều trong lĩnh vực logistics

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Toạ đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển 2024 chứng kiến sự hợp tác của 2 bên trong lĩnh vực logistics.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, ngày 12/11 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Vương quốc Thụy Điển, Toạ đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển đã được tổ chức tại Trụ sở Tập đoàn Ericsson.

Toạ đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thuỵ Điển năm 2024: Gia tăng quan hệ hai chiều trong lĩnh vực logistics

Toạ đàm doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Vương quốc Thụy Điển (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển)

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và ông Andreas Carlson, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở Thụy Điển đã đồng chủ trì buổi Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển 2024. Bên cạnh đó, Toạ đàm còn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Latvia Trần Văn Tuấn.

Tại Diễn đàn, với sự chứng kiến của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, MSC - hãng vận tải container hàng đầu thế giới, đã công bố việc mở rộng dịch vụ SWAN (dịch vụ vận chuyển hàng hoá qua tuyến đường hàng hải đi qua 1 số cảng, trong đó có Gothenburg và Vũng Tàu) từ năm 2025, lần đầu tiên kết nối trực tiếp giữa cảng Gothenburg (Thụy Điển) và Vũng Tàu (Việt Nam). Dịch vụ này dự kiến sẽ tăng cường luồng hàng hóa giữa hai khu vực, mang lại giải pháp vận chuyển hiệu quả, rút ngắn thời gian và củng cố mối quan hệ kinh tế song phương.

Cùng với thông báo này, một Bản Ghi nhớ (MOU) khác đã được ký kết giữa Cảng Gothenburg và Cảng SSIT (Vũng Tàu, Việt Nam). Thỏa thuận này thể hiện cam kết chung trong việc thúc đẩy kết nối và hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực logistics và hàng hải, đưa hai cảng trở thành các trung tâm chiến lược về thương mại tại khu vực của mình.

Việc mở rộng dịch vụ SWAN nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thụy Điển và Việt Nam, tạo động lực quan trọng cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Phát triển này nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược và sự cam kết đổi mới của cả hai cảng, minh chứng cho sự hợp tác thương mại ngày càng gia tăng giữa Bắc Âu và Đông Nam Á.

Toạ đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thuỵ Điển năm 2024: Gia tăng quan hệ hai chiều trong lĩnh vực logistics

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số hướng tới xã hội và công nghiệp bền vững” (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển)

Cũng tại Toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số hướng tới xã hội và công nghiệp bền vững”. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có thời gian trao đổi thẳng thắn với đại diện các cơ quan, ban, ngành và đông đảo doanh nghiệp Thụy Điển về mong muốn của Chính phủ Việt Nam trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế nói chung và Thụy Điển nói riêng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh của Việt Nam.

Phiên thảo luận có sự tham của đông đảo doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động lâu năm và cả những doanh nghiệp đang có ý định đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, có thể kể đến như Ericsson, Vilja, MSC, Syre, Scienta Envinet, Ngân hàng SEB, Ngân hàng EPC-ansvarig SEK, Tổ chức tài chính Swedfund, Business Sweden, EKN…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với bề dày lịch sử 55 năm. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Thụy Điển đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, hỗ trợ hết sức quý báu cả về tinh thần và vật chất trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. Sau khi quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn đối tác bình đẳng, cùng có lợi vào năm 2013, thương mại song phương có những phát triển tích cực.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 1,29 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 695,9 triệu USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023). Thụy Điển hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu, ngược lại, Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại Đông Nam Á.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: