Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN trong 6 tháng đầu năm đạt khá và tăng trưởng so với cùng kỳ. Có được kết quả này là do, trong nửa đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu… Cùng với đó, Bộ Tài chính tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.
6 tháng thu NSNN ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán. Ảnh minh họa: Internet |
Thu nội địa ước đạt 857 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm tình hình thế giới có nhiều bất ổn đã tác động đến hoạt động thương mại. Trong nước, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; thu NSNN đạt khá và tăng trưởng so với cùng kỳ, bội chi, nợ công được kiểm soát; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; thị trường tiền tệ, tỷ giá được điều hành linh hoạt…
Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, biến động giá vàng, tỷ giá… tạo áp lực gia tăng lạm phát.
Trong bối cảnh đó, phát huy chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, thúc đẩy sản xuất; quản lý điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu NSNN năm 2024 là 1.700,99 nghìn tỷ đồng, thực hiện thu tháng 6 ước đạt 105,1 nghìn tỷ đồng, bằng 6,2% so với dự toán.
Lũy kế 6 tháng thu NSNN ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương ước đạt 62,9% dự toán và thu ngân sách địa phương ước đạt 56,4% dự toán.
Trong đó, thu từ dầu thô trong 6 tháng ước đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% so với dự toán, giảm 4,8% so với cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán, tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Đối với thu nội địa, thực hiện tháng 6 ước đạt 83,1 nghìn tỷ đồng, bằng 5,8% dự toán; lũy kế thu 6 tháng ước đạt 857 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán.
Trong đó, thu từ 3 khu vực kinh tế ước đạt 60,1% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do các DN đã tạm nộp 3/5 kỳ nộp thuế TNDN trong năm 2024; thu thuế TNCN ước đạt 62,7% dự toán; thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 53,5% dự toán; thu tiền thuê đất ước đạt 79,3% dự toán…
Bộ Tài chính cũng cho biết, thu tiền sử dụng đất 6 tháng ước đạt 88,4 nghìn tỷ đồng, tăng 85,6% so với cùng kỳ và bằng 39% so với dự toán. Theo Bộ Tài chính, mặc dù thị trường bất động sản còn khó khăn, vướng mắc trong triển khai đấu giá, giao đất, nhưng một số địa phương đã tập trung tháo gỡ, tổ chức tốt công tác đấu giá, giao đất cho các dự án phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm, nên số thu nộp ngân sách dần được cải thiện.
Về thực hiện thu nội địa trên địa bàn các địa phương, ước tính có 30 địa phương thực hiện thu đạt trên 55% dự toán, 54 địa phương có tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu
Bộ Tài chính đánh giá, với kết quả này, số thu NSNN trong 6 tháng đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả này phản ánh tác động nền kinh tế phục hồi, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí tác động tích cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và số nộp NSNN.
Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản, rà soát giá tính thuế sát giá thị trường; quản lý thu đối với hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, nhà, khách sạn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới. Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế GTGT đảm bảo hoàn đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, trong đó toàn bộ cửa hàng bán lẻ xăng dầu, DN kinh doanh vàng trên toàn quốc đến nay đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế với 69,4 nghìn cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Cơ quan thuế tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh chuẩn hóa mã định danh công dân làm mã số thuế, tạo nền tảng quan trọng triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN… Với các giải pháp này, kết hợp với đà phục hồi của nền kinh tế đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN trong 6 tháng đầu năm.
Cơ quan thuế đã tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Ước tính đến hết tháng 6 đã thu hồi được 45,5 nghìn tỷ đồng nợ thuế; đến hết ngày 15/6 đã thực hiện 20,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 244 nghìn hồ sơ khai thuế của DN, qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 18,9 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 3,56 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 13,2 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 683 cuộc thanh tra, kiểm tra kiến nghị thu nộp NSNN gần 315 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế tính đến ngày 15/6 đã tăng 17,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu chịu thuế tăng 13,5% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 17,4%, góp phần làm tăng thu NSNN trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, số thu NSNN 6 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ còn do năm 2023 thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP làm giảm thu trong thời gian gia hạn 6 tháng đầu năm khoảng 53,5 nghìn tỷ đồng; trong khi 5 tháng đầu năm nay chưa phát sinh số thuế được gia hạn.
Theo Haiquanonline