Sáng 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3 tại Bắc Kinh, đề ra kế hoạch hành động trong việc theo đuổi "thập kỷ vàng" của sáng kiến này.
Theo SCMP, diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, trong đó có hơn 20 nguyên thủ quốc gia, nổi bật là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát biểu trước hơn 1.000 đại biểu Trung Quốc và nước ngoài có mặt tại ở Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi các dự án năng lượng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có vai trò trong việc giải quyết các vấn đề năng lượng của nhiều nước đang phát triển.
Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3, ngày 18/10. Ảnh: Reuters |
Ông Tập lưu ý rằng việc phát triển cảng đã tạo ra các hành lang kinh tế mới - yếu tố mà ông cho rằng là trung tâm của BRI, cùng với mạng lưới cơ sở hạ tầng. Ông cho biết, các tuyến đường sắt, hàng không và đường biển chính là "bộ khung" của sáng kiến, nhằm thúc đẩy hiệu quả việc lưu thông hàng hóa, vốn, công nghệ và nhân sự từ nhiều quốc gia khác nhau.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định rằng thị trường Trung Quốc đang trở nên gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường quốc tế và nước này sẽ mở rộng hơn nữa BRI. "Các khoản đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài và đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc cho thấy sự tự tin và niềm hy vọng. Chỉ thông qua hợp tác cùng có lợi, mọi việc mới có thể và thực hiện tốt", ông nói.
Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng "sự tăng trưởng của Trung Quốc không chỉ vì chính mình". Theo đó, nhà lãnh đạo này cho rằng "những cơn gió ngược và thuận chiều" đều có thể xảy ra và các nước nên kiên trì đạt được mục tiêu của mình. Ông cho biết con đường tiến tới hiện đại hóa do Trung Quốc đề xuất là "hiện đại hóa hợp tác cùng có lợi và thịnh vượng chung".
Kế hoạch hành động
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch hành động Vành đai và Con đường. Ông cam kết tăng tốc tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu và xây dựng một hành lang hậu cần mới trên khắp châu Á.
Ông cho biết sẽ có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư với nhiều quốc gia hơn; đồng thời sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có ý định hỗ trợ một nền kinh tế thế giới mở, thiết lập các khu vực tiên phong "thương mại điện tử trên con đường tơ lụa"; ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với các nước và bãi bỏ hoàn toàn hạn chế tiếp cận thị trường.
Ông Tập cũng thông báo rằng Trung Quốc sẽ tổ chức "triển lãm kỹ thuật số" hằng năm để tăng cường cải cách doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện chụp ảnh cùng các lãnh đạo, đại diện các nước tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10. Ảnh: Xinhua |
Cam kết tài trợ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EIB) mỗi bên sẽ thiết lập một quỹ tài trợ trị giá 350 tỷ NDT (47,8 tỷ USD) để thúc đẩy các dự án "nhỏ nhưng đẹp". Bên cạnh đó, khoản ngân sách 80 tỷ NDT (10,9 tỷ USD) khác sẽ dành cho các dự án BRI khác.
Ông Tập cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy thương mại hàng hóa lên 32 nghìn tỷ USD và thương mại dịch vụ lên 5 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới vào năm 2028. Nhà lãnh đạo này cũng hứa sẽ thúc đẩy phát triển xanh, tăng cường hợp tác cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng và giao thông, tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh về phát triển xanh hơn và tăng cường hỗ trợ cho các liên minh quốc tế Vành đai và Con đường.
Trí tuệ nhân tạo và du lịch 'Con đường tơ lụa'
Ông Tập Cận Bình cũng cam kết hợp tác với các nước khác để xây dựng các phòng thí nghiệm thúc đẩy phát triển khoa học và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI). Ông bày tỏ mong muốn thúc đẩy sự phát triển an toàn của AI và tổ chức hội nghị thượng đỉnh khoa học Vành đai và Con đường.
Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố kế hoạch thành lập liên minh du lịch "Con đường tơ lụa" để thúc đẩy trao đổi văn hóa. Trong đó, Trung Quốc sẽ làm việc với các tổ chức quốc tế, truyền thông, tổ chức tư vấn và các nền tảng văn hóa để thúc đẩy và cải thiện việc xây dựng thể chế của nền tảng Vành đai Con đường.
Ngoài ra, một ban thư ký sẽ được thành lập cho các diễn đàn Vành đai và Con đường trong tương lai.
BRI và các mối quan hệ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước tôn trọng lẫn nhau, chỉ trích những bên thích coi người khác là "mối đe dọa". "Coi sự phát triển của người khác là một mối đe dọa và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là rủi ro sẽ không cho phép bạn sống tốt hơn và phát triển nhanh hơn", ông nhấn mạnh.
Ông cũng nêu rõ rằng Trung Quốc phản đối việc tách rời các nền kinh tế và phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, ép buộc kinh tế và tách rời.
"Những nước có nền kinh tế phát triển tốt hơn nên giúp đỡ những đối tác đang tạm thời tụt lại phía sau. Sự đối đầu về ý thức hệ, sự cạnh tranh địa chính trị và chính trị khối không phải là sự lựa chọn đối với chúng tôi”, ông nói.
Theo Xinhua, vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố đề xuất xây dựng Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, còn được gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)
Tính đến tháng 6/2023, Trung Quốc đã ký hơn 200 thỏa thuận hợp tác BRI với hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế trên khắp năm châu lục, mang lại một số dự án tiêu biểu và các dự án quy mô nhỏ nhưng có tác động lớn.
Thương mại và đầu tư giữa các nước BRI được ghi nhận có sự tăng trưởng. Từ năm 2013 đến năm 2022, giá trị tích lũy xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước đối tác BRI lên tới 19,1 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,4%. Đầu tư hai chiều tích lũy giữa Trung Quốc và các nước đối tác đạt 380 tỷ USD trong giai đoạn này, bao gồm khoảng 240 tỷ USD từ Trung Quốc.
Trong 10 năm qua, có hơn 3.000 dự án hợp tác BRI đã được triển khai với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1 nghìn tỷ USD. Nhiều dự án về đường sắt, cầu và đường ống, đã giúp xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối các tiểu vùng ở châu Á cũng như các lục địa châu Á, châu Âu và châu Phi.