Từ ngày 11 đến 12/9 tới, đoàn công tác của Trung Quốc sẽ sang kiểm tra mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là thông tin được ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc do Bộ này tổ chức sáng 6/9, tại Hà Nội.
Cơ hội lớn cho ngành dừa Việt Nam
Hiện, Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn. Trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn, 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Quang |
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội để mở rộng thị trường dừa của Việt Nam và là căn cứ pháp lý để chúng ta tổ chức, liên kết lại sản xuất cây trồng này bài bản, hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Trung nhận định, hiện Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của chúng ta.
“Cây dừa là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Đề án và phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Từ năm 2022, các sản phẩm dừa xuất khẩu đã có sự tăng trưởng khá và sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Việt Nam thực hiện tốt Nghị định thư này. Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể đạt 300 - 400 triệu USD, đóng góp giá trị đáng kể cho ngành hàng dừa cũng như ngành nông nghiệp”, Thứ trường Hoàng Trung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng Trung, Trung Quốc dự kiến kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói từ ngày 11-12/9 để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu.
Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu, các địa phương, cơ sở đóng gói, vùng trồng bố trí đủ nguồn lực, điều kiện để chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra sắp tới. Doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các hệ thống kiểm dịch thực vật tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất khẩu nhưng cũng phải đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát lô hàng xuất khẩu.
"Với những hướng dẫn hôm nay tại hội nghị và tài liệu cung cấp, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá lại các mã số đó, để đợt kiểm tra sắp tới của Trung Quốc đạt hiệu quả cao. Làm sao để dừa tươi Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc sớm nhất", ông Hoàng Trung nói.
Việc kiểm tra sẽ lựa chọn ngẫu nhiên
Về lần kiểm tra sắp tới của Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, mỗi ngày có 3 đoàn kiểm tra song song. Trung Quốc sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 24 vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói để kiểm tra.
Xuất khẩu dừa tươi, cơ hội mới cho ngành hàng kinh tế chủ lực tỉnh Bến Tre (Ảnh Cẩm Trúc) |
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc gồm 9 điều. Theo đó, dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn nhỏ hơn hoặc bằng 5cm và dừa không có vỏ).
Dừa phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, cành, lá và đất.
Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; được cả Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ đăng tải danh sách này trên website.
Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm. Tất cả các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cán bộ được ủy quyền sẽ giám sát quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển dừa xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%.
"Trong 2 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%. Dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây", ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin.
Bến Tre là tỉnh trồng dừa lớn của Việt Nam với diện tích lên đến 80.000ha và là địa phương được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhiều nhất với 13/24 đơn vị được kiểm tra lần này.
Ông Võ Văn Nam - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre - cho biết, hiện Bến Tre có 130 vùng trồng với 10.000ha dừa để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay mọi công tác bố trí, sắp xếp tài liệu, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của địa phương đã xong và sẵn sàng đón đoàn kiểm tra của Trung Quốc sang kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều vùng của tỉnh, người dân vẫn trồng nhỏ lẻ nên sắp tới tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất và tăng liên kết trong sản xuất áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu của nước xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam - cho hay, việc mở cửa được thị trường Trung Quốc cho quả dừa tươi là tín hiệu rất tốt không chỉ cho ngành dừa mà còn giúp người dân tăng thu nhập.
“Vừa qua Hiệp hội Dừa Việt Nam đã đi kiểm tra và nhận thấy các tỉnh đã chuẩn bị tốt các công việc, tài liệu để đón đoàn kiểm tra của Trung Quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng, khi đoàn kiểm tra đến sẽ làm việc nhanh và thuận lợi, các đơn vị được kiểm tra sẽ đáp ứng đủ điều kiện để xuất khẩu", bà Thanh khẳng định.
Để ngành dừa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, bà Thanh kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan sớm thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế dừa đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ công việc trồng, sẩn xuất, xuất khẩu bài bản, hiệu quả hơn.
Dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD. Thị trường nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu dừa lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi. Việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc sẽ đã tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào đăng ký mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho ngành dừa Việt Nam. |
Theo Báo Công Thương