Việt Nam kêu gọi các bên tham gia xung đột tuân thủ luật pháp, luật nhân đạo quốc tế, 4 Công ước Geneva năm 1949(*) và nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc.
Trong các ngày 21-22/5, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York) đã diễn ra Phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang với chủ đề “Kỉ niệm 25 năm Nghị quyết 1265(**) của Hội đồng Bảo an và 75 năm các Công ước Geneva”.
Dưới sự chủ trì của Mozambique, nước đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 5 năm 2024, phiên họp đã thu hút sự tham gia của đại diện từ hơn 90 quốc gia thành viên, các quan sát viên từ Liên Hợp Quốc và một số tổ chức quốc tế có liên quan.
Chủ tịch Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, cùng Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo và hầu hết đại diện từ các quốc gia đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình trạng leo thang của xung đột vũ trang trong năm vừa qua, gây ra nhiều hậu quả thảm khốc cho người dân vô tội.
Báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ghi nhận hơn 33 nghìn dân thường thiệt mạng trong xung đột năm 2023, tăng 72% so với năm 2022, gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm luật nhân đạo quốc tế và khó khăn trong việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo tại các khu vực xung đột.
Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, phát biểu tại Phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang (Ảnh: BQT) |
Dẫn chứng cuộc xung đột tại Dải Gaza làm thiệt mạng trung bình hơn 150 dân thường mỗi ngày trong 7 tháng qua, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an cần có các biện pháp hiệu quả hơn nữa để bảo vệ dân thường và hạ tầng dân sự, trong đó, cách tốt nhất là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, hòa giải.
Đại diện Việt Nam kêu gọi các bên tham gia xung đột tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, nhất là 4 Công ước Geneva năm 1949 và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc.
Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bảo vệ dân thường, trong đó có việc đưa vào Bộ luật Hình sự các tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh…
Trong vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu trong xung đột, chủ trì một số cuộc họp về khắc phục hậu quả bom mìn, ngăn chặn bạo lực tình dục và chăm sóc trẻ em trong xung đột.
Qua việc tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ dân thường bị ảnh hưởng bởi xung đột trên thực địa.
*Nghị quyết 1265 ngày 17/9/1999 lần đầu tiên công nhận bảo vệ dân thường trong xung đột là vấn đề quan trọng đối với hòa bình - an ninh quốc tế và trở thành đề mục thường niên chính thức trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. **04 Công ước Geneva năm 1949 và 03 Nghị định thư bổ sung được coi là nền tảng của luật nhân đạo quốc tế nhằm bảo vệ nạn nhân của xung đột vũ trang. |
Theo Báo Công Thương