Trung Quốc đã mở cửa cho trái dừa tươi của Việt Nam. Với sức tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa mỗi năm, đây được cho là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
Phát triển nhanh chóng
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới, đạt kim ngạch khoảng 250 triệu USD vào năm 2023, chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa cả nước.
Xuất khẩu dừa tươi, cơ hội mới cho ngành hàng kinh tế chủ lực tỉnh Bến Tre. Ảnh: B.T |
Đáng chú ý, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi sang thị trường tỷ dân này.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa, trong đó 2,6 tỷ quả phục vụ tiêu dùng ngay và 1,5 tỷ quả cho chế biến nhưng năng lực sản xuất của bạn chưa đáp ứng hết nên sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội rất tốt để tổ chức lại sản xuất, liên kết và mở rộng thị trường.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam) - cho rằng, đây là cơ hội để ngành dừa Việt Nam phát triển hơn. Tuy nhiên, cùng với đó là thách thức cho cơ quan quản lý và địa phương trong kiểm tra, giám sát các quy trình. Do đó, các bên phải phối hợp chặt chẽ, làm việc cùng với nhau để tạo thuận lợi nhất cho xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc.
Bên cạnh những cơ hội từ thị trường mang lại, theo ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện ngành dừa cũng gặp những khó khăn nhất định, trong đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu mua trái dừa tươi với số lượng lớn mà đạt được sự đồng đều về chủng loại, kích cỡ, chất lượng, hay chưa có nhiều vùng dừa nguyên liệu tập trung.
Ông Cao Bá Đăng Khoa dẫn chứng, do thiếu những vùng trồng tập trung cho từng chủng loại dừa xuất khẩu nên nếu một doanh nghiệp ký được một hợp đồng xuất khẩu 50 container dừa xiêm xanh, thì việc thu mua riêng loại dừa này là rất khó. Doanh nghiệp buộc phải mua tất cả các loại dừa trên cùng một địa bàn rồi mới phân loại ra để có những trái dừa phù hợp với yêu cầu của đối tác.
Địa phương vào cuộc
Là địa phương có diện tích trồng dừa đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, ông Kiều Văn Cang - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định - cho hay, tính đến năm 2023, diện tích dừa trên đất Bình Định có 9.353ha; trong đó, diện tích dừa xiêm (dừa uống nước) chiếm 24,5%, tương đương khoảng 2.292ha; năng suất bình quân đạt 119,3 tạ/ha, sản lượng 111.358 tấn/năm.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bình Định sẽ tăng diện tích dừa lên đến 10.000ha, trong đó có 9.700ha dừa kinh doanh, sản lượng đạt 116.400 tấn/năm. Dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội cho nông dân đang sở hữu gần 3.000ha dừa xiêm ở Bình Định. Hiện địa phương này đang hoàn tất thủ tục xin cấp mã số vùng trồng cho hơn 70ha dừa xiêm uống nước của 2 huyện Phù Cát và Hoài Ân. Bởi, mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Được xem là thủ phủ dừa của cả nước, hiện tổng diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre có gần 80.000ha cây dừa đạt sản lượng trên 688.000 tấn trái; trong đó có khoảng 15.865ha dừa xiêm xanh uống nước, chiếm 20,53% trong tổng diện tích dừa. Sản lượng trong năm ước khoảng 145 triệu trái.
Để chuẩn bị cho việc xuất dừa tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, ngành nông nghiệp của tỉnh Bến Tre đang hoàn thiện quy trình sản xuất dừa, nâng cao chất lượng trái dừa, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng trồng và chuẩn bị hồ sơ có liên quan theo quy định trước khi đưa trái dừa lên đường xuất khẩu sang hai thị trường này.
Riêng với thị trường Trung Quốc, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có 5 vùng và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Bến Tre đã xây dựng diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên 23.700ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, cho sản lượng trên 230.000 tấn. Hiện đã có 20 doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc; trong đó, có 13 cơ sở đóng gói, 35 vùng trồng với 2.343ha đã nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.
Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới và xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD. Trong đó, các thị trường nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc sẽ đã tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào đăng ký mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho ngành dừa Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, việc ký Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới, đồng thời mở ra cơ hội "ăn nên làm ra" cho nhiều địa phương chủ lực về dừa.
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, cả nước có khoảng 200.000ha trồng dừa với sản lượng hàng năm lên đến trên 2 triệu tấn. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ dừa lớn trên thế giới. Việc được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn đối với ngành dừa Việt Nam. Bởi đây là thị trường có khoảng cách địa lý rất gần, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Theo Báo Công Thương