Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2024 giảm đến 84% và dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào đầu năm 2025.
Có sự chuyển dịch về thị trường và chủng loại hồ tiêu xuất khẩu,
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 10/2024 Việt Nam xuất khẩu được 18.493 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 120,2 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng đạt 6.284 USD/tấn giảm 28 USD và tiêu trắng đạt 8.029 USD/tấn tăng 191 USD. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong tháng 10 chiếm 27,7% đạt 5.128 tấn, giảm 8,5% so với tháng 9. Tiếp theo là các thị trường: Hồng Kông đạt 1.784 tấn, UAE đạt 1.382 tấn, Hà Lan đạt 1.000 tấn và Đức đạt 960 tấn.
10 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1 tỷ USD |
Tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt 881,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 162,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 1,9% (tiêu đen giảm 3,3%, tiêu trắng tăng 10,8%), tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 48,0%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng đạt 4.971 USD/tấn, tăng 1.528 USD và tiêu trắng đạt 6.626 USD/tấn, tăng 1.671 USD so với cùng kỳ năm 2023.
Olam Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất 10 tháng 2024 đạt 23.160 tấn, chiếm 10,6% và tăng 51,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp như Phúc Sinh đạt 20.118 tấn, chiếm 9,2%, tăng 58,2%; Nedspice Việt Nam đạt 17.014 tấn, chiếm 7,8%, tăng 10%; Haprosimex JSC đạt 16.002 tấn, chiếm 7,3%, tăng 77,5% và Trân Châu đạt 14.031 tấn, chiếm 6,4% và giảm 0,8%...
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam chiếm 28,5% đạt 62.553 tấn, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các thị trường: UAE đạt 14.540 tấn, chiếm 6,6%, tăng 45,0%; Đức đạt 13.737 tấn, chiếm 6,3%, tăng 77,2%; Ấn Độ đạt 9.428 tấn, chiếm 4,3%, giảm 10,5% và Hà Lan đạt 9.295 tấn, chiếm 4,2%, tăng 41,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam đạt 9.252 tấn tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm đến 84%.
Quý III/2024, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới duy trì ở mức cao, đặc biệt trong 2 tháng 8 và 9. Nguyên nhân được cho là nguồn cung hạn chế, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng. Bước sang tháng 10/2024, giá hồ tiêu giảm do hoạt động bán tháo bởi nhu cầu thanh khoản. Bên cạnh đó, nguồn cung hồ tiêu thế giới được bổ sung từ Brazil và Indonesia, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc thấp đã tác động đến giá hạt tiêu trên thị trường thế giới. Mặc dù giảm mạnh so với cuối tháng 9/2024, nhưng giá hạt tiêu tháng 10/2024 vẫn duy trì ở mức cao.
Quý III/2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch đáng kể. Nếu như trong quý II/2024 và quý III/2023, châu Á là khu vực xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, thì sang quý III/2024, có sự chuyển dịch sang khu vực châu Mỹ.
Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ tăng từ 27,63% tổng kim ngạch trong quý III/2023 lên 39,23% tỷ trọng trong quý III/2024. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang khu vực châu Á giảm từ 41,76% trong quý III/2023 xuống 28,66% tỷ trọng trong quý III/2024 (chủ yếu do giảm xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc). Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang hầu hết các châu lục tăng mạnh (nhờ giá tăng) so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ châu Đại Dương.
Quý III/2024, cơ cấu chủng loại hồ tiêu xuất khẩu có sự chuyển dịch so với quý III/2023. Theo đó, Việt Nam tăng xuất khẩu hồ tiêu đen xay và hồ tiêu trắng xay, tỷ trọng tăng lần lượt từ 14,89% và 5,06% trong quý III/2023 lên 16,91% và 4,47% tỷ trọng trong quý III/2024. Điều này cho thấy, ngành hồ tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch sang xuất khẩu hồ tiêu chế biến, thay vì tập trung xuất khẩu thô như trước.
Liên quan đến thị trường EU, ngày 04/11/2024, Ủy ban châu Âu ban hành Quy định thực hiện (EU) 2024/2794 sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2021/1378 liên quan đến việc công nhận một số tổ chức/đơn vị thực hiện kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ tại các nước thứ ba đối với các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU theo Điều 46 của Quy định (EU) 2018/848 của Hội đồng và Nghị viện châu Âu. Quy định này sửa đổi phụ lục II Quy định thực hiện (EU) 2021/1378 liệt kê một số tổ chức/đơn vị được EU công nhận thực hiện các dịch vụ kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ đối với các nhóm sản phẩm nhập khẩu vào EU.
"Theo quy định hữu cơ mới EC 2018/848 của EU, nhằm đảm bảo tính minh bạch và đáp ứng các yêu cầu cao hơn về đánh giá hữu cơ, danh sách các tổ chức chứng nhận có thể thực hiện đánh giá hữu cơ theo quy định mới đã được cập nhật", Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho hay.
Ba tổ chức chứng nhận mới được thêm vào danh sách và nâng tổng số đơn vị có thể thực hiện đánh giá hữu cơ EU mới tại Việt Nam lên 12 đơn vị. Như vậy, các tổ chức này đã được cấp quyền và đủ năng lực thực hiện đánh giá hữu cơ theo tiêu chuẩn mới của EU tại Việt Nam.
Danh sách CB hiện tại bao gồm các tổ chức có thể đánh giá theo tiêu chuẩn hữu cơ EC 2018/848 tại Việt Nam. Mỗi CB có khả năng đánh giá các hạng mục khác nhau tùy thuộc vào năng lực và phạm vi được cấp phép. Các danh mục được thể hiện rõ ràng trong bảng, giúp các đơn vị sản xuất và xuất khẩu hữu cơ có thể lựa chọn tổ chức chứng nhận phù hợp với nhu cầu cụ thể của mình.
Việc mở rộng danh sách này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo chất lượng và uy tín của các sản phẩm hữu cơ xuất khẩu sang thị trường EU.
Dự báo, hoạt động xuất khẩu hồ tiêu sẽ không thuận lợi trong ngắn hạn
Dự báo trong ngắn hạn, giá hồ tiêu thế giới sẽ biến động theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, xu hướng giảm sẽ không kéo dài do nguồn cung hạn chế, nhu cầu nhập khẩu tăng theo yếu tố mùa vụ.
Tại các thị trường nhập khẩu lớn, nhu cầu tăng tại Hoa Kỳ, EU và châu Á, nhưng tại Trung Đông và Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mức tồn kho giảm đáng kể khiến người dân và các đại lý hạn chế bán ra. Hiện Brazil đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đen lớn thứ hai thế giới, chiếm 17 – 18% nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil vụ mùa 2024 giảm, đánh dấu mức giảm trong 3 năm liên tiếp, do sản lượng thấp. Trong khi đó, vụ mùa hồ tiêu mới 2025 của Việt Nam dự kiến sẽ chậm hơn 1 tháng sẽ tác động tích cực lên giá hồ tiêu thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dự báo các tháng cuối năm nay, hoạt động xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ không thuận lợi do nguồn cung nội địa thấp, nhu cầu từ Trung Quốc vẫn thấp.
Dự kiến sang đầu năm 2025, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta sẽ thuận lợi nhờ nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, sau vụ thu hoạch gần nhất của Indonesia thì đến tận tháng 2/2025, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự bổ sung đáng kể. Đây được cho là yếu tố thuận lợi khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới 2025.
Theo Báo Công Thương