Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng thủy sản toàn cầu. Để mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc, việc đàm phán,ký kết được Nghị định thư là hết sức quan trọng.
Có hơn 800 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,32 tỷ USD, tăng 8% so với 7 tháng năm 2023. Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng trưởng như: Hoa Kỳ tăng 12,8%, Trung Quốc tăng 11,6%; Canada tăng 34,6%; Bỉ tăng 14,2%; Israel tăng 42,3%; Nga tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023...
Trung Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam (Ảnh: VASEP) |
Riêng với thị trường Trung Quốc, trong tháng 7/2024 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 156,4 triệu USD, tăng 36,2% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 836,7 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trên hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER) thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho hay, để xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, cơ sở sản xuất phải được NAFIQPM thẩm định và chứng nhận An toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời có tên trong danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Mỗi lô hàng phải được thẩm định và kèm theo chứng thư theo mẫu quy định do NAFIQPM cấp, bao gồm các mẫu tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn sống.
Sản phẩm xuất khẩu cần phải nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, với tổng cộng 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật sống.
Đối với các cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, và tôm hùm sống, cơ sở phải được đưa vào danh sách riêng do Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phải có tên trong danh sách được Trung Quốc công nhận.
Những cơ sở này phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra và chứng nhận điều kiện ATTP cũng như điều kiện vệ sinh thú y, đồng thời được cấp mã số; được cơ quan thú y địa phương giám sát các bệnh như hội chứng Taura (TSV), bệnh tôm còi do nhiễm virus Monodon Baculovirus (MBV), bệnh đốm trắng (WSSV), và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) trong ba giai đoạn nuôi (trước khi thả giống, giữa giai đoạn nuôi và cuối giai đoạn nuôi).
Bên cạnh đó, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này vẫn phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn của FAO, WHO và yêu cầu của Trung Quốc theo Lệnh 248, 249.Với thị trường này, bà Hoa nêu một số khó khăn, hạn chế như việc xử lý và phê duyệt hồ sơ trên CIFER từ phía Trung Quốc thường chậm.
“Sản phẩm đăng ký phải thuộc danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết hạn để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tránh ách tắc thương mại”, bà Hoa cho hay.
Cần hướng đến đàm phán, ký kết Nghị định thư
Theo một báo cáo mới nhất từ Rabobank, Trung Quốc là một thị trường thủy sản lớn, đầy tiềm năng. Năm 2023, Trung Quốc chi 23 tỷ USD để nhập khẩu 4,67 triệu tấn thủy sản, trong đó 6 tỷ USD cho tôm. Đa số thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc là cá đông lạnh nguyên con, sau đó được chế biến và tái xuất khẩu dưới dạng phi lê sang châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Nhưng các số liệu cho thấy khối lượng tiêu thụ nội địa ngày càng tăng.
Rabobank dự đoán thủy sản sẽ là sản phẩm protein động vật có tốc độ phát triển nhanh nhất Trung Quốc trong thập kỷ tới. Từ năm 2013 đến 2023, mức tiêu dùng thủy sản hàng năm tăng 4,4%, vượt qua thịt heo, gia cầm và trứng. Thậm chí tiêu dùng thịt bò cũng tăng chậm, chỉ tăng 3,2%/năm. Sự dịch chuyển này phản ánh thu nhập và ý thức đối với sức khỏe ngày càng cao của 1,4 tỷ dân Trung Quốc, cũng như sự quan tâm về ATTP.
Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng thủy sản toàn cầu. Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho hay, đối với thị trường Trung Quốc hơn 1,4 tỷ dân, không chỉ quan trọng với thủy sản mà cả ngành nông sản. Thị trường Trung Quốc luôn đứng nhất, nhì, với giá trị xấp xỉ trên 23 tỷ USD, đây là lợi thế rất lớn, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục đàm phán để có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mới đây, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 19/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa nông sản sang thị trường này.
Tuy nhiên, thủy sản đến nay chưa ký được. Như vậy, đối với thị trường hết sức tiềm năng như Trung Quốc, về lâu dài để mở rộng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, chúng ta phải cố gắng hướng tới đàm phán, ký kết được Nghị định thư xuất khẩu đối với mặt hàng này.
Ở góc độ tiêu dùng, trong bối cảnh thị trường này đang có xu hướng dịch chuyển sang các sản phẩm giá trị cao như tôm, cá khai thác tự nhiên, và các loài ở vùng biển sâu. Ngoài ra, khi người Trung Quốc ngày càng trở nên “giàu có”, họ sẽ có xu hướng sử dụng các dịch vụ như dùng bữa ở bên ngoài thay vì nấu ăn ở nhà.
Chuyên gia phân tích Chenjun Pan của RaboResearch khuyến nghị, các công ty thủy sản cần chuẩn bị thiết lập quan hệ hợp tác với các nhà bán lẻ và nhà hàng để phân phối các sản phẩm bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với dòng thực phẩm chế biến sẵn.
Theo Báo Công Thương