Dù là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024, tuy nhiên, xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn tiềm ẩn những 'biến số' khó lường.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 8/2024 đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024. Kết quả này đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại cảng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+ |
Trong đó, tính đến giữa tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,9%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 21,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,2%...
Ở chiều ngược lại, tính đến giữa tháng 8/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 228,92 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,2%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 16,5%; sắt thép các loại tăng 1 tăng 22,5%...
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng, đồng nghĩa với doanh nghiệp trong nước đang có nhiều thêm các đơn hàng xuất khẩu. Xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.
“Trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính”, ông Sebastian Eckardt - Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới - cho biết.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng qua các tháng cho thấy tổng cầu nền kinh tế đang được nâng lên. Nhu cầu của thị trường nội địa tăng trưởng sẽ là động lực cho nền kinh tế, đặc biệt vào thời điểm từ nay đến cuối năm do tính chất mùa lễ hội, nhu cầu thị trường càng tăng vào cuối năm. Đây là động lực rất lớn thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước phát triển.
Bên cạnh đó, khủng hoảng chính trị tại Bangladesh – quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn của thế giới, sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngành may mặc Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Bạo loạn đã dẫn đến sự tàn phá nghiêm trọng các cơ sở sản xuất trong nước, khiến ngành may mặc Bangladesh phải mất một thời gian khá dài để phục hồi. Đây là dịp để các nước có thế mạnh về ngành dệt may, trong đó có Việt Nam bù đắp nguồn cung cho thị trường thế giới.
Vẫn còn những ''biến số'' khó lường
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn không nhỏ. Theo đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine và Israel – Hamas trực tiếp tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo nên nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Việc Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá; EC và Đài Loan (Trung Quốc) xem xét điều tra chống bán phá giá đối với một số nhóm hàng của Việt Nam là những diễn biến bất lợi cho xuất khẩu của nước ta sang các thị trường này. Doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan không chỉ phải chuẩn bị hồ sơ phục vụ điều tra, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, mà những động thái này còn tác động trực tiếp đến quy mô và sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, những đề xuất về việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương kiến nghị, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Cung cấp bổ sung nhiều lập luận về việc đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ để tiếp tục đề nghị phía Hoa Kỳ thực hiện cam kết về việc phối hợp mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Đồng thời, cần tiếp tục phát huy vai trò của các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp trong thương mại quốc tế.
Đối với việc Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tháp gió, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tháp gió sang Hoa Kỳ cần liên hệ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 58,24%
Đối với kế hoạch điều tra chống bán phá giá của EC và Đài Loan (Trung Quốc), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này cần nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu và hợp tác đầy đủ, toàn diện với bên khởi xướng điều tra để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định, thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).
Ở góc độ ngành Công Thương, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới. Hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị, trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực.
Theo Báo Công Thương